Chị Trần Thị Lê Kim Ngân luôn cố gắng làm tấm gương tốt cho các con noi theo
Cùng gánh vác, sẻ chia
Theo chân cán bộ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Lê Kim Ngân (ấp 5, xã Hòa Phú). Lúc này, chị Ngân và mẹ đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Không gian căn bếp càng ấm áp hơn khi tiếng cười nói của mẹ con chị không ngừng vang lên. Chị Ngân chia sẻ: “Gia đình tôi luôn ý thức được rằng, đã là người một nhà thì nên phụ giúp, chia sẻ công việc với nhau. Mỗi khi đi làm về là gia đình tôi lại quây quần bên nhau, cùng nhau nấu ăn, làm việc nhà. Không chỉ riêng tôi và mẹ mà cả chồng và các con của tôi cũng vậy, cứ về đến nhà là cùng phụ giúp nhau”. Nhìn nụ cười trên khuôn mặt chị Ngân và mẹ chị, chúng tôi càng hiểu hơn về giá trị của hạnh phúc gia đình.
Không chỉ chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà gia đình chị Ngân còn chú trọng xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị Ngân chia sẻ: “Trong quan hệ gia đình, điều quan trọng là phải tôn trọng lẫn nhau. Do đó, mỗi khi quyết định bất cứ chuyện gì, vợ chồng tôi cũng bàn bạc kỹ lưỡng rồi đi đến thống nhất. Có như vậy, dù thành công hay thất bại, chúng tôi cũng vui lòng”. Hiện nay, chị Ngân kinh doanh tự do, còn anh Dũng (chồng chị Ngân) thì làm công nhân. Nhờ biết quan tâm, chia sẻ lẫn nhau nên không khí gia đình luôn vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc và tràn ngập tiếng cười. Hơn 24 năm chung sống, chị Ngân luôn cảm thấy mình may mắn vì có được người chồng hết lòng thương vợ và gia đình. Tuy nhiên, không vì thế mà chị lơ là vai trò, trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Những bữa cơm nóng với các món mà mẹ, chồng, con thích luôn được chị chăm chút, bởi theo chị, bữa cơm gia đình là sợi dây gắn kết các thành viên lại gần với nhau hơn.
Cuộc sống gia đình đôi khi không tránh khỏi những cãi vã, bất đồng ý kiến. Song, những khi ấy, anh chị đều trao đổi thẳng thắn trên tinh thần góp ý xây dựng. Trong dạy con, vợ chồng chị nhẹ nhàng phân tích tốt, xấu, điều hay, lẽ phải để con học hỏi. Hiện nay, người con trai lớn của anh chị đang học năm thứ 2 tại một trường cao đẳng ở TP.HCM, con gái nhỏ đang học lớp 8. “Bí quyết giữ gìn hạnh phúc của vợ chồng tôi rất đơn giản, đó là luôn dành cho nhau sự tôn trọng và tin tưởng. Vợ chồng tôi luôn cố gắng là tấm gương tốt để các con noi theo” - chị Ngân chia sẻ thêm.
Chung sống với nhau hơn 40 năm, lúc nào ông Nguyễn Thanh Tùng, bà Đặng Thị Hạnh (ấp 3, xã Bình Tâm, TP.Tân An) cũng dành cho nhau tình cảm trọn vẹn nhất. Theo ông Tùng, người xưa có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, ý nói người chồng là trụ cột trong gia đình, có trách nhiệm lo những việc lớn như kiếm tiền, còn người vợ chăm lo việc cơm nước, chăm sóc con cái. Với ông, quan điểm này dường như đã cũ, trong cuộc sống ngày nay, vai trò của từng thành viên đều như nhau. Ông Tùng cho biết: “Theo tôi, để có một gia đình hạnh phúc, các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, cùng nhau gánh vác, sẻ chia. Có như vậy, tổ ấm mới ấm êm, hạnh phúc".
Đồng quan điểm với chồng, bà Hạnh cho rằng trong cuộc sống vợ chồng, quan trọng nhất là sự chia sẻ, nhất là những chuyện không vui càng phải nói cho nhau nghe. Bà Hạnh bộc bạch: “Hiện nay, cả 2 vợ chồng tôi đều về hưu và sống cùng con cháu. Hơn 40 năm qua, vợ chồng tôi đều quan niệm rằng dù cuộc sống khó khăn hay đủ đầy cũng phải cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình tràn đầy tình yêu thương”. Thấu hiểu tấm lòng của cha mẹ, 2 người con của ông bà đều ngoan ngoãn, hiếu thảo và nỗ lực học tập. Hiện người con trai lớn đã lập gia đình, con gái nhỏ đã có công việc ổn định.
Cùng vun đắp, giữ gìn hạnh phúc
Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Diễm My (giảng viên Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Sư phạm TPHCM), trong cuộc sống gia đình, để vun đắp và giữ được ngọn lửa hạnh phúc, vợ chồng cần biết trân trọng nhau bởi sự gặp gỡ nhau hàng ngày đôi khi làm chúng ta cảm thấy quen thuộc và xem đó là điều hiển nhiên. Gia đình muốn hạnh phúc thì vợ chồng cần rèn luyện lòng biết ơn, biết ơn cuộc sống hiện tại, biết ơn những giá trị mà người bạn đời đem lại, đừng nên có tâm lý so sánh với vợ hoặc chồng của gia đình khác. Đồng thời, cần phải biết yêu bản thân, thay đổi để phát triển bản thân nhằm tạo ra sự thu hút. Từ sự thu hút đó làm cho mình trở thành người có giá trị và quan trọng hơn đối với người bạn đời của mình. Song song đó, vợ chồng cũng cần biết cách hâm nóng tình cảm bởi tình cảm con người thường chịu sự ảnh hưởng của quy luật thích ứng, do đó, vợ chồng muốn hạnh phúc cần biết hâm nóng tình cảm, có không gian riêng, có sự lãng mạn, có những cử chỉ âu yếm và cần có cả những bất ngờ,...
Hơn 40 năm qua, ông Nguyễn Thanh Tùng và bà Đặng Thị Hạnh luôn cố gắng để cùng nhau giữ gìn hạnh phúc gia đình
“Ngoài ra, bản thân vợ, chồng cần tập trung vào việc quản lý cảm xúc của mình và tập quan tâm đến cảm xúc của đối phương. Để làm được điều này, vợ chồng nên dành thời gian để rèn luyện các phương pháp và kỹ thuật quản lý cảm xúc, hiểu được giá trị của sự bình tĩnh, sự cảm thông, sự sẻ chia để kịp thời động viên, hỗ trợ khi đối phương có cảm xúc tiêu cực hay gặp vấn đề trong công việc, cuộc sống” - cô Nguyễn Thị Diễm My chia sẻ thêm.
Có thể khẳng định, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc sẽ góp phần tạo nên mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Khi đó, vừa nâng cao đời sống cho người dân, vừa góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ./.
Bùi Tùng