Đa dạng các loại đặc sản
Sống giữa “thủ phủ” thanh long, anh Nguyễn Ngọc Tài (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) luôn trăn trở vì điệp khúc “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”. Nguyên nhân chính là do người dân chỉ trồng và bán thanh long tươi chưa qua chế biến. Do đó, anh quyết tâm nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm thanh long đỏ lên men và được nhiều người đón nhận, nhất là trong những dịp lễ, tết. Anh Tài cho biết: “Năm 2018, tôi bắt đầu sản xuất và kinh doanh thanh long đỏ lên men. Bình thường sản phẩm thanh long đỏ len men chỉ bán cho người quen, bạn bè nhưng dịp tết, sản phẩm này được nhiều cửa hàng, tiệm tạp hóa đặt hàng để gói làm các giỏ quà”.
Thanh long sấy dẻo được nhiều khách hàng ưa chuộng
Để sản xuất thanh long đỏ lên men, anh Tài sử dụng thanh long ruột đỏ kết hợp đường với tỷ lệ thích hợp, ủ ít nhất 3 tháng. Sau đó, hỗn hợp được chiết lọc bỏ xác, lắng trong nước, đóng chai. Anh Nguyễn Hữu Minh chia sẻ: “Tôi quê ở thị trấn Tầm Vu nhưng sinh sống và làm việc ở TP.HCM. Cứ có dịp về quê là tôi đặt mua vài chai thanh long đỏ lên men để dùng và tặng bạn bè, người thân. Qua thời gian sử dụng, tôi nhận thấy sản phẩm này khá tốt và có nhiều công dụng như ngăn ngừa bệnh tim mạch, tốt cho tiêu hóa, ngăn ngừa lão hóa, giảm cân và ngủ ngon”.
Vừa qua, tại Hội nghị Xúc tiến thương mại do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp Sở Công Thương Long An tổ chức, nhiều công ty, doanh nghiệp, chợ đầu mối,... tại TP.HCM rất thích thú với sản phẩm thanh long sấy dẻo của Cơ sở sản xuất, kinh doanh thanh long sấy Long Châu. Anh Nguyễn Ngọc Phan (chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh thanh long sấy Long Châu) chia sẻ: “Sản phẩm thanh long sấy dẻo được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi giữ được mùi vị đậm đà của quả thanh long tươi. Dịp tết, đơn đặt hàng thường tăng từ 30-40% so với ngày thường. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khách hàng đặt mua thanh long sấy dẻo có phần giảm so với mọi năm”.
Sản phẩm thanh long lên men được nhiều khách hàng lựa chọn để thêm vào giỏ quà tết
Từ giữa tháng 10 Âm lịch, các cơ sở sản xuất khô ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa tất bật chuẩn bị phục vụ thị trường tết. “Thời điểm này, có ngày cơ sở sử dụng hơn 600kg thịt bò để chế biến. Bên cạnh đó, 10 nhân công của cơ sở cũng phải làm việc từ tờ mờ sáng đến xế chiều mới kịp hàng để giao cho khách” - ông Hồ Văn Ben - chủ Cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben, cho biết.
Cơ sở sản xuất của ông Ben đã hình thành được gần 40 năm, trên cơ sở kế thừa bí quyết chế biến của gia đình. Theo tiết lộ của ông Ben, bí quyết không chỉ nằm ở khâu chọn nguyên liệu, gia vị tẩm ướp mà còn nằm ở quy trình chế biến.“Nguyên liệu để làm khô bò chỉ có thể là thịt thăn đùi hoặc vai. Nguồn thịt này được lấy từ chính nguồn bò thịt của địa phương nên bảo đảm được độ tươi, ngon và thịt sau khi phơi vẫn giữ được màu đẹp” - ông Ben bật mí.
Khô bò Đức Hòa là lựa chọn thích hợp để làm quà tặng bạn bè, gia đình
Được biết, cứ 3kg thịt nguyên liệu thì làm ra được 1kg thành phẩm, giá bán dao động từ 350.000-650.000 đồng/kg (tùy loại). Thời điểm này, các đơn hàng lớn gần như đã “chốt” xong, cơ sở đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút”. Tầm 25 tháng Chạp, hàng sẽ được gửi đến cho khách ngoại tỉnh, còn đối với khách lẻ trong tỉnh, cơ sở vẫn tiếp tục nhận hàng cho đến ngày 27 tháng Chạp. So với các năm, lượng khách đặt hàng năm nay giảm khoảng 50%.
Anh Đặng Duy Tân (quận 8, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thấy khô bò của xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa rất ngon và đặc sắc. Món ăn này có hương vị khác lạ so với món khô bò nơi khác, đặc biệt phù hợp để mọi người ngồi nhâm nhi trong những ngày tết. Năm nào tôi cũng mua vài kilôgam về tặng gia đình, bạn bè để mọi người cùng thưởng thức món ăn đặc sản này”.
Đậm đà hương vị quê hương
Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp tết, Cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) lại rộn rã tiếng cười, nói xen lẫn tiếng băm thịt, tiếng máy dồn thịt,... Tất cả góp phần xua đi cái lạnh của những ngày giáp tết. Chị Lưu Thị Kim Châu (chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh lạp xưởng tươi Cô Châu) cho biết: “Từ lâu, lạp xưởng tươi Cần Đước không chỉ là món ăn truyền thống của ngày tết mà còn là món quà ý nghĩa gửi tặng bạn bè, người thân trong những ngày tết đến, xuân về. Theo đó, cứ đến gần Tết Nguyên đán, cơ sở tôi phải tăng cường sản xuất gấp 4 lần so với ngày thường mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, lạp xưởng heo có giá 250.000 đồng/kg, lạp xưởng tôm có giá 400.000 đồng/kg”.
Lạp xưởng tươi Cần Đước được làm chủ yếu qua 3 công đoạn, gồm: Thịt rửa sạch, xắt (hoặc xay nhuyễn), sau đó ướp gia vị và dồn thịt vào. Khi hoàn thành, lạp xưởng được rửa sạch và đem phơi nắng (hoặc sấy). Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng để tạo hương vị thơm ngon, nhất là làm nên thương hiệu lạp xưởng tươi Cần Đước thì khâu ướp gia vị và chọn nguyên liệu đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, công phu và kinh nghiệm.
Chị Kim Châu cho biết thêm: “Rượu để ướp lạp xưởng được xem là bí quyết riêng của từng cơ sở để làm nên thương hiệu lạp xưởng tươi Cần Đước. Thế nhưng, điểm chung của người làm lạp xưởng tươi Cần Đước là không sử dụng phẩm màu, hóa chất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng”.
Lạp xưởng Cần Đước hút khách trong dịp tết
Không chỉ nổi tiếng với sự thơm ngon của những chiếc lạp xưởng, huyện Cần Đước còn gây thương nhớ với thực khách gần xa bởi những miếng bánh in dẻo, ngọt. Bà Nguyễn Thị Hóa (ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây) là một trong những người làm bánh in lâu năm nhất xã, mỗi dịp tết đến là ngày nào bà cũng giao khoảng 30-40 cây bánh in cho khách hàng (mỗi cây 5 bánh). Nhờ hương vị truyền thống, thơm ngon nên bánh của gia đình bà được nhiều người biết đến và tìm mua.
“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gia đình tôi chủ động giảm số lượng bánh. Tuy nhiên, càng cận tết, khách hàng đặt bánh càng nhiều, số lượng không thua gì những năm trước nên chúng tôi phải tăng tốc độ sản xuất để kịp giao cho khách hàng. Nhìn chung, năm nay, giá nguyên liệu sản xuất bánh có tăng nhưng không đáng kể, vì vậy gia đình tôi vẫn giữ giá bánh như những năm trước” - bà Hóa cho biết.
Bánh in Long Hựu - món quà quê không thể thiếu dịp tết đến, xuân về
Trải qua nhiều thăng trầm, vị ngọt bánh in Long Hựu đã trở thành một phần ký ức, một hương vị truyền thống không thể thiếu trong đời sống, nhất là vào dịp tết đến, xuân về. Ông Bùi Văn Nhỏ (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cù lao Long Hựu này nên bất kể đi đâu, ở đâu thì chỉ cần về đến xứ này là nhớ tới bánh in Long Hựu - món đặc sản của địa phương. Cái bánh in nhìn đơn giản là vậy nhưng lại gây xao xuyến, nhớ nhung cho nhiều người mỗi khi nhắc đến. Nhất là trong những ngày tết, hầu như nhà nào cũng có vài miếng bánh in để cúng ông bà và đãi khách. Vị ngọt, thơm, bùi béo của bánh in cùng với vị se đắng của nước trà sẽ làm câu chuyện ngày xuân thêm ý nghĩa”.
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: “Các mặt hàng đặc sản của Long An không chỉ làm cho hương vị tết thêm hấp dẫn mà còn mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Để những đặc sản này có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trở thành sản phẩm hàng hóa và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, thời gian tới, Sở sẽ cùng chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất tiếp tục phát triển các sản phẩm theo hướng OCOP; đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đưa các đặc sản này đến những hội chợ, triển lãm mang tầm khu vực để quảng bá, tìm đầu ra ổn định”./.
Các mặt hàng đặc sản của Long An không chỉ làm cho hương vị tết thêm hấp dẫn mà còn mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Để những đặc sản này có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trở thành sản phẩm hàng hóa và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, thời gian tới, Sở sẽ cùng chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất tiếp tục phát triển các sản phẩm theo hướng OCOP; đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đưa các đặc sản này đến những hội chợ, triển lãm mang tầm khu vực để quảng bá, tìm đầu ra ổn định”.
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh
|
Lê Ngọc - Bùi Tùng