Tiếng Việt | English

04/11/2016 - 13:41

Đại diện Việt Nam cam kết đóng góp tích cực cho Ủy ban Luật pháp quốc

Ông Nguyễn Hồng Thao khi còn đảm nhiệm cương vị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+)

Việc Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), một cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, được coi là sự kiện có ý nghĩa lớn, thể hiện vị thế, uy tín quốc tế và sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương và Liên hợp quốc, cũng như sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại kỳ bầu cử này, Việt Nam ứng cử trong nhóm nước khu vực châu Á với 10 ứng cử viên cho 7 vị trí.

Kết quả này cũng thể hiện sự ghi nhận, tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với năng lực của cá nhân Đại sứ, tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao.

Chia sẻ về niềm vui này, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết trong nhiệm kỳ này, ông sẽ tích cực tham gia thảo luận những chủ đề mà ILC đang nghiên cứu, nhất là đóng góp cụ thể vào những chủ đề cấp thiết đối với cả Việt Nam và quốc tế như bảo vệ thường dân trong thảm họa tự nhiên, bảo vệ bầu khí quyển, bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, áp dụng tạm thời điều ước quốc tế, nhận dạng tập quán quốc tế.

Với gần 40 năm kinh nghiệm công tác pháp lý và ngoại giao, có chuyên môn sâu rộng về nhiều lĩnh vực của luật pháp quốc tế, nhất là về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển, phân định biên giới, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tin tưởng có thể đại diện cho Việt Nam và các quốc gia đang phát triển đóng góp tích cực vào công tác của ILC.

Việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được các nước thành viên Liên hợp quốc bầu chọn làm thành viên của ILC là một niềm vui lớn, niềm vinh dự đối với cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với đất nước chúng ta, đối với ngoại giao Việt Nam, vì đây là lần đầu tiên một công dân Việt Nam, một nhà ngoại giao Việt Nam được bầu vào một cơ quan rất quan trọng của Liên hợp quốc.

Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn pháp lý của Liên hợp quốc cũng như ở cấp độ khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

ILC được Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1947, có 34 thành viên, có nhiệm vụ thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, bao gồm các chuyên gia pháp lý của các nước, tập trung nghiên cứu những vấn đề chưa được quy định trong luật quốc tế hoặc chưa được phát triển đầy đủ trong thực tiễn cũng như tập hợp, hệ thống hóa các quy định của luật pháp quốc tế trong những lĩnh vực đã có thực tiễn, tiền lệ và học thuyết áp dụng rộng rãi.

Các vấn đề đang được ILC tập trung thảo luận hiện nay là: các nguyên tắc và trách nhiệm pháp lý quốc tế về bảo vệ bầu khí quyển; giải thích điều ước quốc tế dựa vào các thỏa thuận và thực tiễn về sau; nguyên tắc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế; nhận diện tập quán quốc tế; trách nhiệm và nguyên tắc quốc tế bảo vệ thường dân trong thảm họa; miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với quan chức quốc gia; trách nhiệm pháp lý về bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang; tội ác chống lại loài người; và các quy phạm bắt buộc của luật pháp quốc tế./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết