Tiếng Việt | English

26/10/2015 - 11:41

Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm

Theo các chuyên gia tâm lý, ngày nay, gia đình hiện đại có cấu trúc và quy mô khác gia đình truyền thống theo kiểu “gia đình no ấm - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc”. Tức là không phải chỉ có mỗi người vợ - người phụ nữ trong gia đình có trách nhiệm lớn nhất trong việc giáo dục, nuôi dạy, chăm sóc con cái và giữ gìn tình yêu thương, mà cần có bàn tay vun vén của người đàn ông. Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay, câu thành ngữ “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” không mất đi giá trị, mà càng tôn vinh vai trò quan trọng của chị em trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình.

1. Quen nhau từ những ngày còn ngồi cùng giảng đường đại học, đến khi ra trường có công việc ổn định, Trương Thị Kim Phúc, 29 tuổi, ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa quyết định lập gia đình. Hiện tại, vợ chồng Phúc đang sống ở TP.HCM. Mỗi cuối tuần, đôi vợ chồng trẻ này đều về thăm cha mẹ ở quê vì Phúc và Đăng có cùng suy nghĩ “về thăm nhà không những cha mẹ vui mà tụi mình còn cảm nhận được tình cảm gia đình ấm áp. Những bữa cơm gia đình cuối tuần như một lời nhắc nhở của cha mẹ với vợ chồng mình, dù có bận bịu công việc thì hãy cố gắng dành cho nhau một bữa cơm để tình cảm gia đình được gắn kết”.

Ghi nhớ lời cha mẹ, dù Phúc và Đăng khá bận bịu với công việc nhưng vợ chồng luôn cố gắng cùng nhau dùng bữa cơm chiều trong ngày. Đăng bảo rằng: “Cứ mỗi chiều tan việc, được về nhà ăn cơm vợ nấu, cảm giác thật ấm áp làm sao! Trong bữa cơm, 2 vợ chồng trò chuyện vui vẻ những điều xảy ra trong cuộc sống. Có lúc cả 2 kể lại kỷ niệm lúc còn quen nhau rồi cùng nhau cười vui. Cuộc sống bây giờ ai cũng bộn bề công việc, buổi trưa, 2 vợ chồng đều ở lại công ty vì về nhà rất xa nên chỉ có bữa cơm gia đình là khoảng thời gian thân thương dành cho nhau trong ngày nên phải duy trì”.

Dành thời gian cho nhau, cùng nhau trò chuyện nhưng vợ chồng Đăng và Phúc luôn giữ nguyên tắc không mang công việc, không mang áp lực từ công ty trở về nhà. “Điều này có nghĩa khi về đến nhà, vợ và chồng đều phải vui vẻ và không kể lể những công việc quá tải hay chuyện buồn ở cơ quan. Bởi khi mang việc về nhà để kể lể sẽ làm không khí gia đình thêm nặng nề” - Phúc giải thích.

2. Nhiều người bây giờ vẫn còn suy nghĩ “quen lâu rồi chán, cưới nhau chỉ còn sống vì trách nhiệm nhiều hơn là sự yêu thương, chiều chuộng như thời hẹn hò yêu đương lãng mạn”. Khi đưa ra quan niệm này, vợ chồng bạn Thùy Trang, 28 tuổi, ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa đã “phản bác”. Trang cho rằng: “Cưới nhau về không phải chán nhau, sở dĩ những khoảnh khắc lãng mạn ít hơn thời còn yêu là vì cuộc sống gia đình cần thực tế. Còn muốn cuộc sống gia đình không nhàm chán thì người vợ, người chồng phải tự làm mới mình, làm mới cuộc sống”.

Cách làm mới của vợ chồng Trang không gì quá khó khăn mà rất bình dị. Trang kể, cuối tuần, 2 vợ chồng có thể hẹn hò uống cà phê để cả 2 cảm nhận được cảm giác lãng mạn thuở ban đầu vẫn còn khi đã về sống chung trong một mái nhà. Những khi được nghỉ phép, vợ chồng Trang “rủ rê” nhau đi du lịch để vừa thư giãn, vừa thay đổi không khí gia đình. Ngoài ra, cuộc sống bây giờ có nhiều lo toan, ai cũng phải cố gắng làm việc để lo cho gia đình. Vì vậy, khi trở về nhà sau một ngày làm việc, mỗi người phải biết chia sẻ cùng nhau. “Nếu ai về nhà trước thì lo cơm nước cho gia đình. Ngày cuối tuần thì cả 2 cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Những việc đơn giản như vậy nhưng lại vun đắp hạnh phúc gia đình, vì khi biết sẻ chia, người vợ, người chồng sẽ cảm thấy mình vẫn được yêu thương như ngày nào chứ không phải cưới nhau về chỉ còn sống với nhau vì trách nhiệm như nhiều người suy nghĩ” - Trang chia sẻ.

Qua 2 câu chuyện, cho ta thấy, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi kiểu vun bồi cho hạnh phúc gia đình. Bây giờ, trong xã hội hiện đại có khá nhiều thiết bị góp phần giải phóng sức lao động phụ nữ trong gia đình,... Nhưng, ắt hẳn ngọn lửa ấm lan tỏa từ góc bếp, từ bàn tay người vợ, người mẹ hầu như vẫn còn nguyên giá trị!./.

Mai Hương-Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích