Tiếng Việt | English

25/04/2019 - 10:43

Đầu tư hạ tầng nông thôn để phát triển nông nghiệp bền vững

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh Long An quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn như hệ thống lưới điện, giao thông, thủy lợi, đê bao... Hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, bảo vệ tài sản, chủ động sản xuất và tăng thu nhập.

Giảm chi phí đầu vào cho nông dân

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Long An - Võ Kim Thuần cho biết, để phục vụ tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư 200 trạm bơm điện, chủ yếu trên địa bàn các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, huyện Bến Lức, Đức Huệ, phục vụ khoảng 30.000ha vùng chuyên canh cây trồng cạn và lúa chất lượng cao. Bước đầu, các trạm bơm điện phát huy hiệu quả, bảo đảm nước phục vụ tưới, tiêu cho vùng sản xuất chuyên canh và giúp nông dân giảm chi phí đầu vào của mỗi vụ.

Tân Thạnh là một trong những địa phương có nhiều trạm bơm điện phục vụ vùng trồng lúa chất lượng cao ở khu vực Đồng Tháp Mười. Đến nay, Tân Thạnh có 31 trạm bơm được xây dựng, phục vụ diện tích 8.950ha, trong đó có 28 trạm đang hoạt động và 3 trạm đang triển khai xây dựng.

Trạm bơm điện Bằng Lăng phục vụ tưới, tiêu cho 650ha đất sản xuất nông nghiệp

Trạm bơm điện Bằng Lăng trên địa bàn ấp Cây Sao, xã Tân Lập, là một trong những trạm sớm được đầu tư tại Tân Thạnh. Đại diện quản lý Trạm bơm điện Bằng Lăng - Lê Văn Kiệm cho biết: “Trạm bơm được xây dựng năm 2010 với kinh phí khoảng 1,9 tỉ đồng từ một phần ngân sách hỗ trợ phát triển lưới điện, trạm biến áp, phần còn lại do tôi đầu tư. Khi trạm bơm hoàn thành, các công trình khác như đường giao thông, bờ đê, kênh, mương nội đồng tiếp tục được đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện để cải tạo, đưa nước đến từng thửa ruộng”.

Hiện nay, Trạm bơm điện Bằng Lăng phục vụ khoảng 650ha đất sản xuất của hơn 300 hộ thuộc 3 ấp: Cây Sao, Bằng Lăng và Trương Công Ý. Chu kỳ vận hành của trạm bơm tùy theo mực nước, chu kỳ phát triển của cây lúa, bình quân bơm nước vào, ra 13 lần/vụ lúa. Mỗi lần bơm khoảng 4 ngày, đêm liên tục. Mỗi hộ đóng góp kinh phí 955.000 đồng/ha/vụ lúa. Ông Lê Công Danh - nông dân ấp Trương Công Ý, cho rằng: “Từ khi có Trạm bơm điện Bằng Lăng, nông dân chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất và tiết kiệm chi phí đầu vào. Nếu như trước đây, nông dân phải tốn chi phí mua vật tư, tiền công bơm nước vào ruộng bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/ha/vụ lúa thì nay giảm còn 955.000 đồng. Ngoài ra, trước đây, nông dân ai cũng mua máy bơm nước nhưng nay không cần nữa bởi hệ thống kênh, rạch thông thoáng, nguồn nước có sẵn, dẫn nước vào ruộng rất dễ”.

Theo ông Võ Kim Thuần, ở những diện tích sản xuất có trạm bơm điện, nông dân có điều kiện áp dụng cơ giới hóa, hợp tác trong sản xuất và có thể chủ động ứng phó với diễn biến của thời tiết. Ngoài ra, trạm bơm điện giúp nông dân giảm chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất, tăng năng suất cây trồng và thu nhập. Từ những lợi ích này cũng như nhu cầu thực tế, thời gian tới, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh sẽ đầu tư thêm 148 trạm bơm, nâng tổng số lên 348 trạm, phục vụ khoảng 88.000ha đất sản xuất vùng chuyên canh cây trồng cạn và lúa chất lượng cao. 

Chủ động sản xuất

Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020). Ông Võ Kim Thuần thông tin, từ khi thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến nay, từ nguồn vốn ngân sách cũng như các dự án khác, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 danh mục công trình thủy lợi nội đồng (các trục thủy lợi chính cấp 1) được triển khai với vốn đầu tư trên 400 tỉ đồng. Ngoài ra, nguồn ngân sách của các huyện còn tiếp tục đầu tư kết nối với các trục thủy lợi chính. Các công trình trên gồm nhiều hạng mục như làm mới hay nạo vét kênh, mương nội đồng, đắp bờ đê bao, làm cống, cầu giao thông nông thôn,... phục vụ nước tưới tiêu cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường thủy lẫn đường bộ.

Công trình nạo vét và làm đường giao thông kênh 23 - Thầy Pháp (đi qua địa bàn 2 xã Tân Tây và Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa)

Những ngày này, công trình nạo vét tuyến kênh 23 - Thầy Pháp đi qua địa bàn 2 xã Tân Tây và Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, đạt hơn 70% khối lượng thực hiện. Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Phan Văn Vũ Cường chia sẻ: “Tuyến kênh 23 - Thầy Pháp được nạo vét dài hơn 4km nối từ sông Vàm Cỏ đến đoạn gần Quốc lộ 62 với lòng kênh trên 10m, làm đường đê mới với mặt đê 4m thành đường giao thông. Khi tuyến kênh này hoàn thành, trên 300ha đất lúa sản xuất trong vùng ứng dụng công nghệ cao ở xã Thủy Đông thuộc ấp Voi Đình, Nước Trong được hưởng lợi”.

Còn ông Đặng Văn Tấn Phong - nông dân đang sản xuất hơn 1ha lúa nếp ở ấp Voi Đình, phấn khởi: “Khi chính quyền địa phương thông báo tuyến kênh 23 - Thầy Pháp được cải tạo, nạo vét khơi thông nguồn nước, nông dân chúng tôi ai cũng đồng tình, nhanh chóng bàn giao mặt bằng. Nông dân không còn “phập phồng” lo sợ lũ về sớm trong vụ Hè Thu nữa. Ngoài ra, nguồn nước tưới, tiêu cũng thuận lợi và chủ động hơn trong sản xuất”.

Ông Phan Văn Vũ Cường cho biết thêm, ngoài tuyến kênh 23 - Thầy Pháp, trên địa bàn xã Thủy Đông còn được đầu tư nạo vét các tuyến kênh khác như kênh 500, kênh 3, kênh 27,... Các tuyến kênh này hoàn thành không chỉ mang lại nguồn nước tưới tiêu mà còn tạo vùng đê bao khép kín cho vùng chuyên canh khoai mỡ khoảng 1.000ha. Nhờ các công trình này, Thủy Đông hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng xã nông thôn mới. Thu nhập của nông dân cũng dần ổn định.

Song song với tuyến kênh 23 - Thầy Pháp, công trình nạo vét kênh Rạch Gia (xã Tân Tây), kênh Cái Tôm (xã Thạnh An) trên địa bàn huyện Thạnh Hóa cũng đang được triển khai. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư nhiều danh mục công trình thủy lợi khác nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương, không chỉ giúp nông dân chủ động mở rộng diện tích canh tác mà còn mạnh dạn áp dụng các phương thức luân canh, tăng vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư về trạm bơm điện, thủy lợi nội đồng, thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp Công ty Điện lực Long An tập trung triển khai các công trình đầu tư, nâng cấp, sửa chữa lớn lưới điện. Do đó, về cơ bản bảo đảm cấp điện phục vụ nhu cầu nuôi tôm hiện tại của người dân với diện tích khoảng 1.553ha trên địa bàn các huyện có quy hoạch nuôi tôm như Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc.

Năm 2018, kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt, trong đó khu vực I tăng trưởng 4,88%

Thực tế cho thấy, việc đầu tư các công trình hạ tầng ở nông thôn hiện nay góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chiều hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng vùng trong tỉnh, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, năm 2018, kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt, trong đó khu vực I tăng trưởng 4,88% (cao hơn gấp 3 lần so với kế hoạch 1,5%). Các kết quả trên là tiền đề để năm 2019, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 1,5% so với năm 2018./.

"Việc đầu tư các công trình hạ tầng ở nông thôn hiện nay góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chiều hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng vùng trong tỉnh, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".

Mai Hương

Chia sẻ bài viết