Tiếng Việt | English

26/11/2017 - 02:40

Dạy làm người tử tế

Ngoài nhiệm vụ nâng chất lượng dạy và học, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) được các trường học quan tâm. Điều này thật sự cấp thiết trong xã hội ngày nay.

Qua những câu chuyện kể

Mỗi dịp hè đến, HS Trường THPT Chuyên Long An lại háo hức tham gia chương trình “Học làm người hiếu thảo” tại Lâm viên Thanh niên (huyện Thạnh Hóa). Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng mang lại cho các em nhiều bài học bổ ích về giá trị của tình người, tình yêu thương cha mẹ, sự đoàn kết,... giúp các em có những trải nghiệm và trang bị kỹ năng sống.

Chương trình diễn ra khá nhẹ nhàng. Thông thường, giáo viên mở đầu bằng một câu chuyện kể phù hợp với chủ đề nhưng không kém phần xúc động. Đúc kết mỗi câu chuyện, giáo viên gợi ý cho HS về những bài học được rút ra, để các em có thể noi gương học tập.

Học sinh Trường THPT Chuyên Long An trong một lần tham gia “Học làm người hiếu thảo”Em Bảo Ngọc - HS lớp 12A, Trường THPT Chuyên Long An, cho biết: “Từ trước đến nay, em luôn được người thân quan tâm, che chở nên chẳng lo gì nhiều. Em chỉ biết học và không phụ giúp ba mẹ. Qua chương trình này, giúp em hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả của ba mẹ và yêu thương người thân mình hơn!”.

Đó cũng là chia sẻ của em Phúc Toàn - HS lớp 11, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức, khi nhắc về chương trình “Học làm người hiếu thảo”. Em nhớ lại, buổi học diễn ra hết sức tự nhiên bằng những câu ca dao bình dị, những bài hát quen thuộc về công cha, nghĩa mẹ. Với giọng nói truyền cảm, cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên Ngữ văn, kể những câu chuyện hết sức gần gũi về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ khiến các em phải lắng lòng mình lại. Đan xen lời kể là những hình ảnh minh họa từ những đoạn clip phù hợp. Cứ thế, những câu chuyện đầy cảm động cùng với những lời phân tích về tâm lý lứa tuổi thật tinh tế đã “đánh thức” các em. Cảm xúc trào dâng thành những tiếng nấc nghẹn! Có những giọt nước mắt hạnh phúc vì được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Nhưng cũng có những giọt nước mắt hối hận vì những lầm lỗi khiến đấng sinh thành phải buồn lòng,...

Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Duy Thanh cho biết, qua buổi học, các em thật sự hiểu được công ơn to lớn của cha mẹ và khao khát trở thành người con hiếu thảo. Những cảm xúc chân thành đó được các em gửi gắm vào bài thu hoạch của mình. Với kết quả ngoài mong đợi, gần 5 năm qua, Đoàn trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục tổ chức hoạt động đầy ý nghĩa và giàu tính nhân văn này.
Tuy nhiên, do không có điều kiện về thời gian, phòng học, kinh phí,... nên đối tượng tham dự lớp học bị thu hẹp, chỉ chiếm 15% HS của trường (trường hiện có khoảng 2.700 HS). Những em dự lớp này đa số là HS chưa ngoan, thường xuyên vi phạm nội quy của nhà trường, có hạnh kiểm trung bình, yếu của 2 khối lớp 10 và 11.

Học nhóm cũng là một cách giúp các em có sự trao đổi, rèn luyệnNgoài hoạt động này, từ năm 2010 đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức biên soạn và triển khai thực hiện chương trình giáo dục địa phương trong chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý địa phương, dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Qua đó, giúp HS hiểu hơn về đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa và truyền thống lịch sử, cách mạng của nhân dân Long An.

Đặc biệt, từ năm học 2016-2017, nhằm tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức cho HS, ngành GD&ĐT triển khai sử dụng tài liệu Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho HS trong trường phổ thông từ lớp 2 đến lớp 12 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nhằm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giảng dạy cho HS trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động ngoại khóa.

Cùng học, cùng vui!

Thấy được việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là rất quan trọng nên tập thể Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ luôn quan tâm. Trường chú trọng giáo dục HS từ những điều nhỏ nhất như chào hỏi cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lớn tuổi,... đến ý thức bảo vệ và xây dựng đất nước qua học tập trải nghiệm, tìm hiểu về cột mốc biên giới 211 tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường). Đoàn trường còn sưu tầm tài liệu để tuyên truyền, giáo dục HS về nguồn gốc, ý nghĩa các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của dân tộc. Đặc biệt, trong Tháng Thanh niên, trường thường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, lịch sử địa phương. Nhiều HS được thăm viếng Khu tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực; thăm, tặng quà gia đình chính sách,...

Giáo viên, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ viếng Đền tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Đó cũng là cách làm của rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tại Trường THPT Tân Thạnh, song song với nhiệm vụ dạy học, Ban Giám hiệu trường lưu ý giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Thông qua những lần sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, kết hợp học nhóm, những nội dung liên quan an toàn giao thông, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được tuyên truyền. Mấy năm gần đây, trường duy trì tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên cho HS, giúp các em có những kiến thức, hiểu biết đúng đắn hơn về vấn đề này.

Cũng như bao trường khác đều chú trọng cảnh quan trường học, Trường THPT Đức Hòa huyện Đức Hòa cũng vậy. Và hành lang xanh, thoáng mát tại trường không chỉ là công trình thanh niên được HS trau chuốt mà nơi đó còn có cả “một hành lang hiểu biết” khi khắc họa ngắn gọn về tiểu sử của những anh hùng dân tộc. Hay đó còn là một “hành lang đọc sách” dành cho HS Trường Tiểu học Nguyễn Tấn Kiều, thị xã Kiến Tường,... Hiện nay, nhiều trường học trong tỉnh: Tiểu học Nguyễn Văn Siêu, huyện Bến Lức; THCS Nguyễn Thị Bảy, huyện Cần Giuộc; THCS Nhựt Tảo, TP.Tân An;... đều khiến HS thú vị với mô hình biển, đảo trong sân trường. Việc làm đơn giản thôi nhưng đó cũng là cách sáng tạo nhằm giáo dục các em về tình yêu quê hương, đất nước.

Theo Sở GD&ĐT, hiện nay, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS được triển khai đồng bộ bằng việc giảng dạy tích hợp vào các môn: Đạo đức, Giáo dục công dân, Lịch sử, Ngữ văn và các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp từ cấp tiểu học đến THPT. Ngoài ra, năm 2016, sở còn phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện chương trình “Ai hay hơn ai”, phối hợp Nhà Thiếu nhi Long An thực hiện mô hình sân chơi lưu động kỹ năng sống năm 2017. Qua đây, giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc cho HS, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Những hoạt động vui chơi giúp các em có sự trải nghiệmĐể làm tốt hơn nữa nhiệm vụ này, thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử - văn hóa cho HS. Bao gồm những nội dung liên quan đến lý tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền tinh hoa văn hóa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam cho thanh, thiếu niên và nhi đồng trong ngành giáo dục; tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt - việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu, thông tin sai trái của các thế lực thù địch;... Bên cạnh đó, ngành sẽ đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử - văn hóa cho HS qua việc giảng dạy các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân cấp tiểu học, THCS, THPT. Đồng thời, tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học,...

Có thể nói, sự phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội là điều kiện quan trọng để giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Từ đó, góp phần hình thành nên nhân cách để các em thật sự trở thành là con ngoan, trò giỏi, công dân hữu ích của xã hội./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết