Tiếng Việt | English

03/07/2024 - 09:22

Đẩy mạnh chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Ngày 25/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt. Tại tỉnh Long An, việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt là một trong những mô hình điểm theo Đề án 06 của tỉnh.

Chi trả qua tài khoản cho gần 50% số người hưởng trợ cấp

Việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh, quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, tránh tình trạng mất cắp, giảm chi phí in ấn và vận chuyển tiền mặt.

Ngoài ra, sử dụng các phương thức thanh toán điện tử cũng giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chi trả của Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân; đồng thời, bảo đảm chi trả đúng đối tượng, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm kinh tế.

Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt còn gặp những khó khăn nên nhiều người chọn hình thức nhận trực tiếp

Trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai, thực hiện chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt.

Đồng thời, Sở có nhiều văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc hướng dẫn thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH.

Sở ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, xây dựng kế hoạch về lộ trình thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng đang hưởng chính sách ASXH do ngành quản lý.

Sở LĐ-TB&XH cũng tổ chức tuyên truyền cho đội ngũ tại các địa phương thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi quản lý nhà nước được giao.

Mặt khác, Sở hướng dẫn các địa phương phối hợp cơ quan chi trả trợ cấp chính sách ASXH để chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng. Sở phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện quy trình và hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ này.

Việc sử dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thời gian qua ngày càng tăng, là một trong những thuận lợi cho việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

Gần đây, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Đại Tánh thông tin về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt do ngành quản lý tại địa bàn tỉnh.

Theo đó, tổng số người hưởng chính sách ASXH (gồm người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội) tại tỉnh là 89.111 người. Số người có tài khoản tại các ngân hàng là 61.109 người (tài khoản chính chủ và tài khoản ủy quyền), chiếm 68,58% trên tổng số người hưởng chính sách ASXH trên địa bàn; đã chi trả qua tài khoản cho 44.440 người, chiếm 72,72% trên tổng số người có tài khoản; chiếm 49,87% trên tổng số người hưởng chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh.

“Việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số của ngành” - ông Nguyễn Đại Tánh cho biết.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tuyên truyền

Bên cạnh những kết quả đã đạt, theo ông Nguyễn Đại Tánh, vẫn còn những khó khăn trong triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt.

Toàn tỉnh hiện có 356 máy ATM, trong đó số máy do tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trực tiếp quản lý là 312 máy và số máy do tổ chức tín dụng ngoài địa bàn trực tiếp quản lý là 44 máy.

Hiện nay, chỉ có TP.Tân An, huyện Bến Lức, Đức Hòa và Cần Giuộc có số máy ATM nhiều; các huyện còn lại, mỗi huyện chỉ bố trí được từ 1-10 máy ATM tại khu vực trung tâm. Trong khi đó, điều kiện đi lại của một số đối tượng nhận chi trả gặp nhiều khó khăn, khoảng cách từ nhà đến nơi rút tiền có nơi hơn 30km nên tốn thời gian, chi phí đi lại,... (có nhiều người không có phương tiện di chuyển,...). Số lượng người sử dụng thẻ ATM nhiều so với số máy nên phải chờ đợi, đôi khi đến rút tiền thì máy đã hết tiền.

Toàn tỉnh hiện có 356 máy ATM, góp phần thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt

“Ngoài ra, phần lớn người hưởng chính sách trợ cấp ASXH là người cao tuổi, neo đơn, bệnh nan y, người khuyết tật, bị bệnh tâm thần, trẻ em, người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không biết sử dụng thẻ ATM nên không thể đi rút tiền.

Mặt khác, tâm lý thích dùng tiền mặt của đại đa số người hưởng chính sách trợ cấp ASXH đã trở thành thói quen nên khó thay đổi” - ông Nguyễn Đại Tánh cho biết.

Qua thu thập, việc mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng gặp khó khăn, một số người chưa thống nhất đăng ký mở tài khoản ATM; việc ủy quyền cho người thân qua tài khoản ATM thì người được nhận chi trả chưa yên tâm do sợ không chuyển tiền đầy đủ, kịp thời,...

Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, thói quen, tạo sự đồng thuận của người dân về không dùng tiền mặt; trang bị cho người dân có kiến thức, kỹ năng về thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn và hiệu quả.

Sở triển khai kế hoạch, lộ trình thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với người đang hưởng trợ cấp chính sách ASXH do ngành quản lý trên địa bàn tỉnh phù hợp, theo hướng người có tài khoản thì chi trả không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành liên quan vận động mở tài khoản đối với người đủ điều kiện mở tài khoản mà chưa có tài khoản. Riêng đối với người già yếu, neo đơn, ở vùng sâu, vùng xa, không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.

Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Long An chỉ đạo các ngân hàng tham gia mở tài khoản cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách trợ cấp ASXH, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nghiên cứu và hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Ứng dụng và phát triển mạnh, đa dạng các sản phẩm dịch vụ, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa./.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Đẩy mạnh triển khai thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt   

UBND tỉnh Long An có văn bản yêu cầu đẩy mạnh triển khai thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết