Tiếng Việt | English

23/08/2022 - 19:53

Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường  

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước về “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Đắc Vinh chủ trì. Điểm cầu Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Quang Thái dự.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước

Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những người phát triển toàn diện đức – trí – thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm, góp phần tạo nhiều chuyển biến tích cực, niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài, tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Tuy nhiên thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Do đó, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường ra đời, là cơ sở, căn cứ tạo ra những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

Điểm cầu Long An có Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Quang Thái dự

Theo đó, ngành Giáo dục cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa học đường, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức của người học;… Ngoài ra, các địa phương, ngành liên quan cũng  phải chung tay vào cuộc trong việc đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường.

Tại hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận về xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; công tác chỉ đạo triển khai của Đoàn, Hội, Đội về các giải pháp phối hợp với ngành Giáo dục trong nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường;… Từ đó, nhiều giải pháp hay, hiệu quả trong xây dựng văn hóa học đường được chia sẻ để nhân rộng trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn khẳng định, xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra,.../.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết