Thời gian qua, công tác dạy nghề cho người khuyết tật được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, nhiều người khuyết tật có thể tự lo cho bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để người khuyết tật áp dụng những ngành nghề được học vào cuộc sống, cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng và toàn xã hội.
Thực tế cho thấy, nhiều người khuyết tật sau học nghề vẫn còn loay hoay, chưa tìm được việc làm phù hợp. Một trong những nghề phù hợp với người khiếm thị phải kể đến nghề massage. Nhiều người khiếm thị có thể thực hành thành thục, đạt yêu cầu nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Một số cơ sở massage của người khiếm thị hoạt động chưa hiệu quả, chưa thu hút khách vào massage. Lý do một phần do công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, người dân phần lớn chưa biết đến hoạt động của các cơ sở này, một phần do xã hội chưa quan tâm tạo điều kiện để người khiếm thị hòa nhập cuộc sống, phát huy những gì được học. Tương tự, nhiều người khuyết tật được học các nghề: Đan lát, đàn,... nhưng vẫn chưa có việc làm ổn định.
Để người khuyết tật có thể hòa nhập, tự kiếm sống bằng chính sức lao động của mình, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội, bên cạnh việc đào tạo nghề, cần quan tâm giải quyết việc làm, giúp họ xóa bỏ mặc cảm. người khuyết tật cũng phải có ý chí tự vươn lên, khắc phục khó khăn để học nghề và làm việc. Xã hội cũng cần có cái nhìn thoáng hơn, tạo mọi điều kiện để người khuyết tật được áp dụng những điều đã học vào thực tế. Các công ty, doanh nghiệp, tùy vào điều kiện có thể nhận và bố trí việc làm cho người khuyết tật một cách phù hợp.
Người khuyết tật bị khiếm khuyết cơ thể nhưng một số người vẫn có thể hoàn thành công việc tốt như những người bình thường vì ở họ có ý chí phấn đấu rất cao. Điều quan trọng là mỗi người, tùy vào điều kiện, cần hỗ trợ người khuyết tật để họ trở thành người có ích cho xã hội./.
Cẩm Nhung