Tuy nhiên, không ít NKT chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Công tác dạy nghề cho NKT chưa được quan tâm đúng mức: Trang thiết bị dạy nghề tại trung tâm lạc hậu, trong khi công ty, doanh nghiệp liên tục đổi mới công nghệ. Thêm nữa, nội dung chương trình, ngành nghề và hình thức đào tạo chưa hợp lý, kết cấu nặng về lý thuyết, chưa có giáo trình dành riêng cho NKT. Chưa có số liệu thống kê phân loại NKT theo mức độ, dạng tật giúp cho công tác dạy nghề phù hợp với khả năng học nghề, khả năng lao động, yêu cầu của nghề nghiệp trong tương lai. Các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp.
Vì vậy, NKT đào tạo trong trường xong ra không đáp ứng được công việc của doanh nghiệp. Hệ quả, sau khi đào tạo xong khó kiếm việc làm, hầu hết NKT đều phải được đào tạo lại.
Ở các địa phương điều kiện kinh tế khó khăn, NKT rất khó khăn trong việc đi lại để học tập, nhiều người phải có người thân đưa đón. Trong khi đó, các mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo chính sách quy định là quá thấp.
Điểm hạn chế khác, NKT vay vốn ưu đãi còn hạn chế, do NKT không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, nguồn vốn có hạn nên số NKT được vay vốn đạt rất thấp, thủ tục vay vốn phức tạp.
Thiết nghĩ, ngoài việc các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến chế độ đào tạo, trang thiết bị, giáo trình mới, giáo viên có tay nghề và nâng cao trợ cấp đi lại, sinh hoạt cho NKT. Chính bản thân NKT phải gạt bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, chủ động vươn lên, mạnh dạn liên hệ với cơ quan, chính quyền các cấp, cơ sở dạy nghề để nắm bắt thông tin về chính sách, pháp luật dành cho NKT và các chương trình, dự án hỗ trợ dành cho NKT./.
Lệ Nguyên