Tiếng Việt | English

30/11/2018 - 18:05

Đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC), sớm ổn định cuộc sống người dân có đất bị thu hồi, giao mặt bằng thực hiện dự án (DA), góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, dự án của Công ty Cổ phần Thái Sơn-Long An (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) tổ chức việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tương đối tốt

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, dự án của Công ty Cổ phần Thái Sơn-Long An (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) tổ chức việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tương đối tốt

Đồng thuận

Long An tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các DA đầu tư trên địa bàn, tạo tiền đề tích cực trong phát triển KT-XH của địa phương. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, diện tích đất của người dân bị thu hồi tương đối lớn. Công tác bồi thường, TĐC, sớm ổn định cuộc sống của người dân luôn được lãnh đạo quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Tại huyện Bến Lức, việc GMBP được người dân đồng thuận cao nhờ địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, các DA trên địa bàn triển khai nhanh hơn, hộ dân có đất bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Tài, ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, cho biết: “Gia đình tôi ở sát tuyến Đường tỉnh 830, chúng tôi rất ủng hộ chủ trương mở rộng tuyến đường này. Tuy nhiên, lúc đầu tôi thật sự không đồng ý giao đất làm DA, dù sao đi nữa, đang làm ăn, sinh sống ổn định, giờ chuyển nhà sang chỗ khác, ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Nhưng sau thời gian được địa phương tuyên truyền, vận động, tôi lại có nhìn nhận mới về vấn đề này và nhanh chóng bàn giao đất để mở rộng tuyến đường. Tôi hiểu, nếu ai cũng không đồng ý di dời thì địa phương sẽ khó phát triển. Khi đồng thuận chủ trương chung, chúng tôi được nhận tiền bồi thường đầy đủ và đã ổn định cuộc sống. Tôi nhận thấy việc làm của mình có ý nghĩa, tuyến đường mở rộng, hàng hóa thông thương, bảo đảm an toàn giao thông, diện mạo địa phương thay đổi rõ rệt. Bản thân và nhiều người dân rất phấn khởi trước việc này”.

Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân cho biết: “Thời gian qua, công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn đạt kết quả tích cực. Địa phương tập trung tuyên truyền, vận động đến tận nhà dân, từ đó, người dân đồng thuận cao. Từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn có 89 DA thu hồi đất với tổng diện tích có quyết định thu hồi gần 1.500ha, trên 11.200 hộ bị ảnh hưởng, tổng kinh phí bồi thường và TĐC hơn 3.300 tỉ đồng. Hơn 11.000 hộ đã nhận chi trả bồi thường với tổng kinh phí trên 3.200 tỉ đồng, tổng diện tích đất bàn giao để làm DA hơn 1.400ha. Tuy nhiên, còn một số hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, huyện sẽ tiếp tục giải thích, vận động. Bên cạnh đó, còn nhiều DA chậm triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Huyện kiến nghị tỉnh cần có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc nhằm bảo đảm theo tiến độ DA đề ra”.

Tại huyện Cần Đước, công tác bồi thường, GPMB, TĐC được lãnh đạo địa phương chú trọng thực hiện. Nhờ đó, việc vận động người dân bàn giao mặt bằng làm DA thuận lợi và đa số đều đồng thuận, ủng hộ. Ông Trương Thanh Sang, ngụ xã Long Sơn, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Bàn giao đất làm Đường tỉnh 830, tôi phấn khởi vì có tuyến đường rộng mở. Trước kia, ở trong đồng, đi lại khó khăn, giờ thì thuận lợi hơn nhiều, diện mạo địa phương thay đổi hẳn”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng, công tác GPMB trên địa bàn thuận lợi do người dân đồng thuận và có sự phối hợp tích cực với sở, ban, ngành tỉnh. Hiện nay, huyện đã, đang triển khai 42 DA, gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng và chi trả bồi thường cho gần 3.500 hộ. Huyện ưu tiên cho việc GPMB tuyến Đường tỉnh 830 - công trình trọng điểm của tỉnh đi ngang địa bàn.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ

“Tuy nhiên, trên địa bàn còn một số DA chậm triển khai, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống người dân; còn một vài hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Địa phương kiến nghị tỉnh xem xét lại đơn giá bồi thường đối với từng trường hợp cụ thể, có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư DA cần nhanh chóng triển khai hoặc tiến hành thu hồi DA nếu không đủ năng lực thực hiện,... Bên cạnh đó, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để làm DA. Đồng thời, tăng cường phối hợp sở, ban, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt hơn công tác bồi thường, GPMB, TĐC” - Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng chia sẻ.

Tương tự, huyện Cần Giuộc xác định rõ vai trò quan trọng của công tác bồi thường, GPMB, TĐC đối với việc thực hiện DA. Từ đó, công tác này được thực hiện nghiêm túc, việc ổn định cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi được đặt lên hàng đầu.

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Sơn - Long An (đang thực hiện DA trên địa bàn xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) - Lê Thành Trung cho rằng: “Người dân có đất bị thu hồi làm DA, đơn vị sẽ bồi thường, nhanh chóng bố trí nền TĐC theo quy định. Công ty thường xuyên phối hợp sở, ngành, địa phương làm tốt việc bồi thường, GPMB, TĐC và triển khai DA theo kế hoạch. Những vướng mắc, chúng tôi nhanh chóng báo cáo về lãnh đạo để có hướng xử lý phù hợp”.

Nhờ làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư nên nhiều dự án làm đúng tiến độ

Nhờ làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư nên nhiều dự án làm đúng tiến độ

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: “Huyện thu hút rất nhiều DA, từ đầu năm 2016 đến nay, chi trả bồi thường cho gần 1.400 hộ dân với tổng số tiền 875 tỉ đồng, bàn giao 171ha cho chủ đầu tư làm DA. Kết quả trên là nhờ sự phối hợp giữa địa phương với sở, ban, ngành tỉnh và được người dân đồng thuận. Hiện một số DA trên địa bàn còn chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau, huyện đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp lên cấp trên như xem xét đơn giá bồi thường cho phù hợp; đôn đốc, kiểm tra hoặc thu hồi đối với những chủ đầu tư chậm triển khai, không có năng lực thực hiện,... để đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch”.

Giám đốc Sở TN&MT - Phan Nhân Duy thông tin: “Việc bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn gặp khó khăn. Sở tham mưu UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo đối với từng DA cụ thể, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng sở, ban, ngành, địa phương để có sự phối hợp, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, TĐC, sớm ổn định cuộc sống người dân có đất bị thu hồi và thực hiện DA theo đúng kế hoạch, góp phần phát triển KT-XH địa phương”./.

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy của một số địa phương về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh cùng các địa phương kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này, sớm ổn định cuộc sống người dân có đất bị thu hồi. Ông đề nghị xác định rõ vai trò cụ thể của từng sở, ban, ngành, địa phương liên quan để có sự phối hợp chặt chẽ, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng chậm trễ, gây bức xúc dư luận, lãng phí đất đai, thất thu ngân sách, góp phần vào sự ổn định và phát triển KT-XH tỉnh nhà. Đồng thời, ông yêu cầu kiểm tra, rà soát các dự án chậm, đôn đốc chủ đầu tư và tham mưu giải pháp để nhanh chóng triển khai hoặc thu hồi theo quy định.
Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh triển khai 98 dự án, tổng diện tích đất đã thu hồi gần 348,834ha, gần 7.000 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng số tiền chi trả bồi thường gần 1.800 tỉ đồng.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích