Tiếng Việt | English

28/08/2015 - 18:40

Để có những chuyến xe buýt thân thiện hút khách

Đọc bài “Tuyến xe buýt Long An- TP.HCM: Vẫn còn đó những nỗi lo” đăng trên Báo LONG AN online ngày 25-8-2015, tôi xin viết tiếp đôi điều về vấn nạn mà tác giả bài viết đã ghi nhận.


Ảnh: Báo Long An Online

Bài viết ngắn này tôi không có ý phê phán một địa phương, một nhà xe, một cá nhân nào mà chỉ nêu lên một vài trường hợp không đẹp mắt về cung cách ứng xử thiếu văn minh lịch sự của tài xế, tiếp viên và cả hành khách trên vài tuyến xe buýt mà tôi đã gặp phải. Tất nhiên nội, ngoại thành có rất nhiều tuyến xe buýt và tài xế, tiếp viên, hành khách không phải ai cũng như vậy.

Từ thực trạng này các cơ quan chức năng chủ quản tìm ra những giải pháp để có những chuyến xe buýt thân thiện hút khách.

Từ TP.HCM về quê và ngược lại tôi thường đi bằng hai tuyến xe buýt: Nội và ngoại thành. Tôi cũng không còn nhớ đã mấy lần mình được nhường chỗ trên các chuyến xe buýt đông đặc khách cũng như mấy lần tôi bị làm khó dễ khi đi từ Ngã tư Ga tới Bến xe Miền Tây (TP.HCM).

Có lần tôi lên xe về Long An cùng với một sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải (tôi nhận biết qua biểu tượng trường trên ngực áo). Trên xe không ít thanh niên nam nữ nhưng tất cả đều thản nhiên ngồi trong khi chung quanh không ít người lớn tuổi như tôi đang đứng chen chúc trong số hành khách đông đầy. Tệ hại hơn khi một phụ nữ trước khi xuống xe đã ra dấu nhường chỗ cho một cụ già, nhưng cụ chưa kịp ngồi thì cháu sinh viên lên xe cùng lúc với tôi đã nhanh chân “giành” chỗ rồi! Nhiều người trên xe, kể cả tiếp viên vẫn thản nhiên trước hành động thiếu văn minh lịch sự thiếu cả đạo đức của sinh viên ấy! Rồi trên chuyến xe về Rạch Kiến, tôi chứng kiến một phụ nữ có thai phải ngồi phệt xuống sàn xe khi cô tiếp viên ngồi “chễm chệ” và không ngớt “tám” với anh tài xế trẻ trên hàng ghế có ghi rõ dòng chữ: Ghế dành cho người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai.

Lần khác trên chuyến xe nội thành tôi bị từ chối xuống trạm cuối trước khi xe vào Bến xe Miền Tây với lý do hết sức đơn giản của tài xế: “cứ vào bến rồi đi ra, chết chóc gì một đoạn đường ngắn mà anh sợ!” Thật tình tôi không ngại đi bộ một đoạn đường ngắn nhưng rất ngại tai nạn giao thông khi phải băng qua đường tại một khu vực thiếu tầm nhìn của tài xế với lưu lượng xe qua lại liên tục. Tiếp theo tôi bị tiếp viên “ép” xuống trên đường Sơn Kỳ cách trạm cuối trên đường Tân Kỳ- Tân Quí cả 300m. Tôi thắc mắc vì sao xe không dừng đúng mà bỏ trạm? Thì được tiếp viên “đưa” nhanh xuống xe và nói: “Anh cứ xuống đây rồi đi bộ lại đó, chạy đúng tuyến, dừng đúng trạm lỡ tới đó bị kẹt xe thì làm sao kịp giờ về bến!”.

Rồi một buổi sáng đẹp trời tôi đi trên tuyến 32, tài xế lái xe như điên trong thành phố: Vừa nhấn ga rồi đạp thắng, mới đạp thắng lại nhấn ga bất kể hành khách trên xe, người già, trẻ em, phụ nữ có thai nháo nhào ra sao cũng mặc! Khi tới trạm xuống thì tiếp viên gần như “quăng” hành khách xuống đường, trạm lên thì lôi kéo trông thật thảm hại, tới ngã ba, ngã tư kẹt đường thì tài xế văng tục chửi rủa.

Những trường hợp nêu trên đây là những điều mắt thấy tai nghe có thể coi như những trường hợp điển hình để qua đó mọi người chúng ta cùng suy nghĩ: Làm sao có được những chuyến xe buýt thân thiện hút khách?

Trước thực trạng tôi vừa nêu trên, nên chăng:

Các hợp tác xã vận tải, các công ty vận tải phối kết hợp cùng các sở giao thông vận tải thường xuyên tổ chức các hình thức học tập về cung cách phục vụ của cả tài xế, tiếp viên và nhân viên đối với hành khách, có nhắc nhở, kiểm tra định kỳ, thi đua khen thưởng.

Nên có những hội thi hoặc phát động những tháng có chủ đề phục vụ hành khách cho tài xế, tiếp viên và nhân viên ngành. Theo tôi, các hợp tác xã, các công ty vận tải cho đến nay vẫn chưa quan tâm lắm về vấn đề này.

Hội Liên hiệp Thanh niên, Đoàn thanh niên thường xuyên lồng ghép vào các chuyên đề sinh hoạt, tọa đàm, hội thảo về các hành vi văn hóa ứng xử của thanh niên trong cuộc sống trong đó nên có “văn hóa ứng xử văn minh lịch sự trên các phương tiện vận chuyển công cộng”.

Từ các bậc học phổ thông đến đại học, tùy theo từng trình độ, nhà trường nên có những buổi sinh hoạt, lồng ghép nhẹ nhàng vào những bài học, tọa đàm về lối sống văn minh lịch sự, lối sống lành mạnh có ích…. của thanh thiếu niên.

Tôi nghĩ, những việc làm này các tổ chức, cơ quan, xí nghiệp, trường học đưa vào công tác thường xuyên là không khó./.

CTV Nguyễn Minh Út

 

Chia sẻ bài viết