Tập trung thu gom
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, khối lượng CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thu gom được từ 800-850 tấn/ngày, được xử lý tại Nhà máy Xử lý rác (XLR) Tâm Sinh Nghĩa, Nhà máy XLR Vĩnh Hưng, Lò đốt rác huyện Tân Hưng và Lò đốt rác thị xã Kiến Tường với tổng công suất khoảng 475 tấn/ngày.
Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thu gom được từ 800-850 tấn/ngày
Bên cạnh đó, một lượng rác sinh hoạt tại huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước vận chuyển về TP.HCM để hỗ trợ xử lý chiếm khoảng 30% khối lượng CTR sinh hoạt trên địa bàn.
Công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo tập trung thực hiện. Nhờ đó, công tác này cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra, địa phương không có điểm nóng về ô nhiễm môi trường;...
Tuy nhiên, hiện nay, công tác này trên địa bàn có những tồn tại nhất định: Một số nơi vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm do lượng rác không được thu gom, xử lý kịp thời; các nhà máy XLR tại tỉnh chưa đủ công suất để xử lý đầy đủ, phải nhờ TP.HCM hỗ trợ XLR; công nghệ XLR cũng bộc lộ những hạn chế, gây ảnh hưởng đến môi trường;... Tỉnh đã nhận thấy các vấn đề và chỉ đạo tổ chức nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả, khắc phục những tồn tại.
Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn huyện Đức Hòa được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những mặt khó khăn, hạn chế. Thông tin từ UBND huyện Đức Hòa, hiện nay, khối lượng CTR sinh hoạt thu gom, vận chuyển về TP.HCM xử lý khoảng 150 tấn/ngày.
Lượng rác đôi lúc chưa được thu gom đầy đủ, kịp thời làm phát sinh tình trạng ô nhiễm, ùn ứ rác; tình trạng thiếu ý thức, đổ trộm rác ra các tuyến đường gây ô nhiễm, mất cảnh quan;... Huyện tập trung các biện pháp để tăng cường quản lý, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp chấp hành tốt các chính sách, pháp luật về BVMT; phối hợp sở, ngành tỉnh để triển khai tốt công tác quy hoạch và các giải pháp trọng tâm trong việc XLR.
Nhà máy Xử lý rác Vĩnh Hưng thực hiện công tác phân loại rác hữu cơ để đưa vào quy trình sản xuất phân compost
Tại huyện Vĩnh Hưng, công tác quản lý thu gom, xử lý CTR được tập trung thực hiện, nhất là sau khi được đầu tư, nâng cấp nhà máy XLR thải trên địa bàn. Nhà máy thực hiện công tác phân loại rác hữu cơ để đưa vào quy trình ủ phân hữu cơ; phần còn lại là rác vô cơ được đưa vào ô chôn lấp hợp vệ sinh; có thu nước rỉ rác để tái sử dụng (bơm tưới bề mặt trong quy trình ủ phân hữu cơ).
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo, mỗi ngày, trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 20-30 tấn rác và được xử lý tại nhà máy XLR của địa phương. Bên cạnh đó, huyện được chọn làm thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn khu vực nông thôn.
Nhà máy XLR Vĩnh Hưng được hỗ trợ cải tạo, lắp đặt thêm máy móc, thiết bị trên nền nhà máy phân compost sẵn có để vận hành dây chuyền sản xuất phân compost với công suất 5 tấn/ngày. Mô hình đem đến tín hiệu và kết quả tích cực. Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp và mong muốn các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ để huyện thực hiện tốt hơn nữa trong công tác này,...
|
Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thu gom, xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt cũng như chất thải rắn phát sinh do dịch Covid-19 trên địa bàn.
|
Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải hiệu quả
Nói về quan điểm, định hướng của UBND tỉnh trong thời gian tới về công tác quy hoạch đầu tư khu XLR thải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh, tỉnh sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các khu XLR theo hướng tập trung, hạn chế quy hoạch nhỏ, lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư, lựa chọn công nghệ xử lý, giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí xử lý, thuận lợi cho công tác xử lý môi trường, không nhất thiết mỗi địa phương đều quy hoạch một khu xử lý.
Đối với công nghệ XLR, theo quy định của Luật BVMT năm 2020, CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn nên công nghệ xử lý CTR đề xuất cần gắn với xu hướng gia tăng khả năng tái sử dụng, tái chế CTR sinh hoạt sau phân loại; tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị từ chất thải phục vụ sản xuất, tiêu dùng hàng ngày cho người dân như sản xuất phân hữu cơ có chất lượng cao (có bổ sung thành phần vi lượng) phục vụ cây trồng, hoa màu,...; tạo ra các sản phẩm tái sinh từ rác vô cơ sau phân loại như hạt nhựa tái sinh, màng nhựa phục vụ sản xuất trong nông nghiệp, viên nén phục vụ lò hơi trong sản xuất công nghiệp,...
Trong định hướng về quy hoạch, tỉnh tiếp tục giữ quy hoạch các địa điểm xử lý CTR theo Kế hoạch số 3558/KH-UBND, ngày 04/11/2021 của UBND tỉnh và vị trí quy hoạch Khu XLR Công ty Công nghệ Môi Trường Xanh, với quy mô, diện tích 200ha đã được cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023, trong đó khi triển khai quy hoạch phải thực hiện theo lộ trình và theo thứ tự ưu tiên đã được xác định.
Để công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được hiệu quả và mang tính bền vững theo Luật BVMT năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cho biết, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp xử lý trọng tâm, dài hạn, mang tính bền vững. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật BVMT để mọi người nhận thức rõ công tác này là sự nghiệp của toàn dân, đặc biệt tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện, nhất là phải đồng thuận trong việc thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai, thực hiện tốt Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có các quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị, hộ gia đình; quy định UBND cấp huyện phải công bố điểm tập kết CTR sinh hoạt, lịch trình tuyến đường thu gom, tần suất thu gom rác thải,... để người dân biết và thực hiện; tập trung làm tốt công tác lập sổ bộ để thu gom rác cũng như thu phí thu gom, vận chuyển, XLR hiệu quả, bảo đảm thu đúng, thu đủ.
Tỉnh xây dựng các cơ chế quản lý rác thải phù hợp, có sự phối hợp vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, người dân từ tỉnh đến địa phương và từng địa phương phải có cơ chế phối hợp thực hiện đến các ấp, khu phố.
UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất HĐND tỉnh ban hành các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực XLR thải trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh bố trí đủ nguồn lực cho công tác thu gom, vận chuyển, XLR cho các địa phương, đơn vị theo đúng quy định. Thực hiện tốt xã hội hóa công tác thu gom, vân chuyển, XLR; tập trung kêu gọi, thu hút nhà đầu tư nhà máy xử lý CTR tại các vị trí đã được phê duyệt quy hoạch mang tính tập trung với công nghệ xử lý hiệu quả, phù hợp nhất và phát triển đến công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình thực tế và sự phát triển của địa phương.
Đồng thời, tỉnh thống nhất đầu mối cơ quan quản lý CTR trên địa bàn, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của từng sở, ngành và địa phương liên quan đến công tác quản lý nhà nước về CTR. Đặc biệt, thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý CTR.
Ngoài ra, tỉnh triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn đã thực hiện thí điểm tại khu vực đô thị (phường 3, TP.Tân An) và khu vực nông thôn (xã Thái Trị, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) trên địa bàn toàn tỉnh nhằm bảo đảm theo quy định của Luật BVMT;.../.
Tỉnh sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các khu XLR theo hướng tập trung, hạn chế quy hoạch nhỏ, lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư, lựa chọn công nghệ xử lý, giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí xử lý, thuận lợi cho công tác xử lý môi trường, không nhất thiết mỗi địa phương đều quy hoạch một khu xử lý”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm
|
Châu Sơn