Chưa đáp ứng về khả năng xử lý rác thải
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Võ Minh Thành, hiện nay, hoạt động của các nhà máy xử lý rác, lò đốt rác trên địa bàn tỉnh, gồm: Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, Nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng, Lò đốt rác huyện Tân Hưng và Lò đốt rác thị xã Kiến Tường chưa đáp ứng về khả năng xử lý rác thải của tỉnh, mới chỉ xử lý được khoảng 475 tấn/ngày trên tổng khối lượng phát sinh toàn tỉnh dao động từ 800-850 tấn/ngày. Lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa được vận chuyển về TP.HCM để xử lý;...
Bên cạnh đó, công nghệ xử lý rác cũng chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Công nghệ xử lý rác của Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, Lò đốt rác huyện Tân Hưng, Lò đốt rác thị xã Kiến Tường chỉ đốt gia nhiệt nên khí thải phát sinh không được xử lý triệt để và lượng tro xỉ phát sinh nhiều trong quá trình đốt, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường.
Riêng Nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng đã thực hiện phân loại rác hữu cơ để đưa vào quy trình ủ phân bón hữu cơ; phần còn lại là rác vô cơ được đưa vào ô chôn lấp hợp vệ sinh; có thu nước rỉ rác để tái sử dụng (bơm tưới bề mặt trong quy trình ủ phân bón hữu cơ) nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao năng lực xử lý rác thải của các đơn vị này trong thời gian tới, Sở TN&MT tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp. Đối với Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, Sở tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư; đồng thời, hỗ trợ các thủ tục khác cho nhà đầu tư để nâng công suất theo đúng chủ trương của tỉnh, sớm đưa dự án chuyển đổi công nghệ đi vào vận hành.
Đối với Lò đốt rác thị xã Kiến Tường, Sở tiếp tục phối hợp UBND thị xã Kiến Tường đánh giá quá trình vận hành của lò đốt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khi dự án Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đi vào vận hành sẽ tiến tới ngừng hoạt động lò đốt rác này và chuyển toàn bộ rác thải của thị xã Kiến Tường về Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa để xử lý.
Đối với Lò đốt rác Tân Hưng, UBND huyện đã lắp đặt mới lò đốt rác sinh hoạt với công suất 800kg/giờ, có hệ thống xử lý khí thải kèm theo, bảo đảm đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. UBND huyện Tân Hưng đang thực hiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường cho lò đốt rác và sẽ đưa vào vận hành sau khi được cấp giấy phép môi trường, lò đốt cũ sẽ ngừng hoạt động.
Riêng Nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng tiếp tục thực hiện dự án phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (gọi tắt là WWF-Việt Nam) hỗ trợ cải tạo, lắp đặt thêm máy móc, thiết bị trên nền nhà máy phân compost sẵn có để vận hành dây chuyền sản xuất phân compost với công suất 5 tấn/ngày.
Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 3558/KH-UBND, ngày 04/11/2021 để xử lý rác thải sinh hoạt cho tỉnh bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng là chính. Mặt khác, để tăng khả năng tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt sau phân loại, Sở phối hợp WWF-Việt Nam thực hiện thí điểm phân loại chất thải tại nguồn và sản xuất phân compost tại huyện Vĩnh Hưng; phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện Dự án "Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên”, trong đó có xây dựng Nhà máy sản xuất phân compost từ rác hữu cơ tại huyện Đức Hòa. Sau khi triển khai thí điểm, Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đánh giá kết quả, báo cáo UBND tỉnh về việc thực hiện mô hình này.
Tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn
Tập trung thực hiện nhiều giải pháp
Tại Phiên họp giải trình “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt” do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho rằng, thời gian qua, công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tuy được quan tâm thực hiện nhưng kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc và chưa thật sự bền vững, tập trung vào các nhóm vấn đề: Quy hoạch và đầu tư khu xử lý rác; công nghệ xử lý rác chất thải rắn; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân; công tác thu gom, vận chuyển và phân loại rác thải tại nguồn; vấn đề liên quan đến tài chính cho xử lý rác (như lập bộ, thu phí, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán,…).
Trên cơ sở các vấn đề đưa ra, sự phản hồi thông tin từ các sở, ngành, địa phương, ông Nguyễn Văn Được đề nghị UBND tỉnh tổ chức thực hiện và chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp, giải pháp, cam kết đã đưa ra, tất cả vì mục tiêu “giải quyết bài toán về xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh một cách bền vững theo hướng công nghệ”; tăng tính chủ động của địa phương, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào TP.HCM như hiện nay.
Trong đó, cần rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch, quyết định, quy định có liên quan đến việc triển khai, thực hiện công tác quy hoạch và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt để xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế và quy định mới; trọng tâm là rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác tại các vùng nông thôn, khu vực ít dân; bảo đảm nguồn lực triển khai hiệu quả công tác quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; đề xuất cụ thể, chính sách khuyến khích để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước;...
Đối với công nghệ xử lý rác thải của tỉnh hiện nay, đề nghị ngành TN&MT phối hợp ngành Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc việc chuyển đổi công nghệ đốt sang đốt rác phát điện tại Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) lên công suất 500 tấn/ngày; khuyến khích công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng để xử lý rác cho các huyện trên địa bàn tỉnh; ngành TN&MT phối hợp ngành Khoa học và Công nghệ định hướng gia tăng khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị từ chất thải phục vụ sản xuất, tiêu dùng hàng ngày cho người dân.
Đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyên nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; nhất là liên quan đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, sử dụng trang thiết bị phân loại và đóng tiền sử dụng rác theo quy định.
Về ngân sách cho công tác xử lý rác, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành TN&MT phối hợp ngành Tài chính để chủ động xây dựng dự toán ngân sách, bố trí kinh phí hàng năm từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu; dự án triển khai phải đáp ứng nhu cầu và phát huy hiệu quả, phục vụ nhu cầu xử lý rác bền vững cho tỉnh; không để xảy ra tình trạng nợ tiền xử lý rác, không có nguồn chi trả cho các hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương.
“Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện tốt các vấn đề trên. Mong rằng, quý cử tri, nhân dân tỉnh nhà tiếp tục đồng hành, ủng hộ các chủ trương chung của tỉnh; có những ý kiến đóng góp và kiến nghị xác đáng, để cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết thỏa đáng, góp phần bảo vệ môi trường bền vững, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương” - ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh./.
Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 3558/KH-UBND, ngày 04/11/2021 để xử lý rác thải sinh hoạt cho tỉnh bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng là chính. Mặt khác, để tăng khả năng tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt sau phân loại, Sở phối hợp WWF-Việt Nam thực hiện thí điểm phân loại chất thải tại nguồn và sản xuất phân compost tại huyện Vĩnh Hưng; phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện Dự án “Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên”, trong đó có xây dựng Nhà máy sản xuất phân compost từ rác hữu cơ tại huyện Đức Hòa. Sau khi triển khai thí điểm, Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đánh giá kết quả, báo cáo UBND tỉnh về việc thực hiện mô hình này. |
Châu Sơn