Năm 2015, cùng với cả nước, tỉnh Long An tích cực thực hiện chủ đề An toàn giao thông “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe” với mục tiêu: Tính mạng con người là trên hết. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phấn đấu giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương).
Mặc dù tập trung lãnh đạo, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp kiềm hãm TNGT nhưng vấn nạn giao thông luôn hiện diện trong đời sống, là hiểm họa thường xuyên rình rập, đe dọa cuộc sống bình yên của gia đình và xã hội.
Số liệu thống kê về TNGT có giảm nhưng còn ở mức cao, trung bình mỗi ngày cả nước có gần 30 người chết, 70 người bị thương vì TNGT. Riêng tỉnh Long An cứ 3 ngày thì có 2 người tử vong vì TNGT. Năm 2014, toàn tỉnh có 411 vụ, 222 người chết, 453 người bị thương vì TNGT; 6 tháng năm 2015 có 161 vụ, chết 95 người, bị thương 160 người,... Qua phân tích số vụ TNGT cho thấy, nguyên nhân gây ra phần lớn từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Đó là lối hành xử thiếu văn hóa khi xử lý các tình huống.
Phía sau mỗi vụ án giao thông là chi phí bồi thường thiệt hại, gia đình ly tán, dở dang tương lai, sự nghiệp, suy sụp tinh thần, bị mất quyền công dân, chịu trách nhiệm hình sự, có khi rơi vào cảnh tù tội. Ở nước ta, mỗi năm TNGT làm thiệt hại kinh tế từ 40.000 đến 60.000 tỉ đồng.
Một người bị nạn kéo theo nỗi lo, tốn kém về thời gian, tiền bạc của gia đình, người thân và cả lo lắng về kiện tụng; xã hội mất đi sức lao động cùng với chi phí đầu tư cho y tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Với những trường hợp không may tử vong, thì mất mát càng to lớn không gì bù đắp được. Ở những trường hợp là trụ cột, lao động chính trong gia đình thì cha mẹ già không người chăm sóc; tương lai của những đứa trẻ mất cha, mẹ sẽ ra sao khi thiếu người nuôi dưỡng, dạy dỗ?
TNGT phần lớn gắn liền với ý thức con người. Để giảm thiểu những nỗi đau thương, mất mát về con người, vật chất, tinh thần, thì mỗi cá nhân, tổ chức, mà nòng cốt là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nêu cao ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; thực hiện ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Mặt khác, phải cùng với chính quyền, ngành chức năng tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân chấp hành tốt pháp luật về giao thông; hưởng ứng các việc làm, hoạt động chăm sóc, giúp đỡ, chia sẻ với các gia đình có nạn nhân tử vong vì TNGT.
Hưởng ứng ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, thực hiện thông điệp “Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại” chính là vì cuộc sống tốt đẹp của bản thân, gia đình, cộng đồng, quê hương./.
Kim Quy