Tiếng Việt | English

01/06/2016 - 10:39

Để nông nghiệp phát triển bền vững

Trong những năm qua, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An có nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, trong đó, giải pháp có tính đột phá là tái cơ cấu nông nghiệp.

Với hơn 7.600ha đất nông nghiệp, diện tích vườn tạp còn nhiều, Tân Trụ đã và đang đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân với hơn 90% dân số sống bằng nghề nông.


Cây thanh long đang phát triển mạnh ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ

Ông Nguyễn Văn Đợt, ở ấp Tân Hòa, xã Đức Tân cho biết: "Gia đình tôi có hơn 2,5ha đất, trước đây, tôi chỉ trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. Từ năm 2013, tôi chuyển 1ha sang trồng thanh long, hiện thu hoạch được 2 đợt, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi hơn 60 triệu đồng. Những năm gần đây, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ nông dân trong việc định hướng về chuyển đổi cây trồng phù hợp trên từng vùng đất nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn".

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc cho biết: "Trước nay, nông dân tự tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cây trồng mang lại thu nhập cao, nhất là tập trung phát triển mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa theo hướng cánh đồng lớn với diện tích lúa chất lượng cao chiếm 60% tổng diện tích lúa. Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công, Tân Trụ đang tập trung chỉ đạo việc hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp, các mô hình hợp tác, liên kết 4 nhà nhằm tạo ra những vùng chuyên canh sản xuất nông sản có sản lượng lớn, chất lượng cao, ổn định; tập trung nguồn lực tương xứng, đầu tư trọng điểm vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, gắn công tác khuyến nông, đào tạo nghề với các vùng dự án sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc tái cơ cấu nông nghiệp phải xuất phát từ thị trường, lợi thế từng vùng, từng loại cây, con".

Để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Tân Trụ quan tâm đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đến với nông dân, từ đó hiệu quả kinh tế tăng lên nhiều lần. Những kết quả chuyển đổi trên góp phần nâng cao đời sống của nông dân. Cùng với hiệu quả của việc tái cơ cấu nông nghiệp, diện mạo của các vùng quê trên địa bàn Tân Trụ có nhiều đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay hơn 30 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Văn Tý, ấp 1, xã Lạc Tấn chia sẻ: "2 năm nay, gia đình tôi chuyển sang chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học (chăn nuôi theo hướng GAP). Cán bộ thú y thường xuyên hướng dẫn các phương pháp chăn nuôi tiên tiến nhằm cho ra sản phẩm đạt chất lượng, dễ tiêu thụ. Ngoài ra, lãnh đạo xã, huyện cũng hỗ trợ nông dân trong việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm". Hiện nay, các mô hình chăn nuôi theo hướng GAP đang tập trung phát triển nhiều ở xã Bình Lãng, Lạc Tấn.

Phát huy hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương là một trong những mục tiêu mà Tân Trụ đang hướng đến trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, trong Đề án quy hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, Tân Trụ được xây dựng theo hướng “mở”, trên cơ sở đó, đề nghị, các địa phương cần phải chọn những cây con chủ lực, quy hoạch sản xuất tập trung, thu hút nông dân tham gia, nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân trong điều kiện sẵn có./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích