Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng rất thường gặp, nhất là ở người cao tuổi do sự lão hóa của hệ thống bảo vệ miễn dịch. Khi thời tiết chuyển mùa, các bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng xâm nhập và tấn công phổi gây nên bệnh viêm phổi.
Bệnh viêm phổi là căn bệnh có tỉ lệ người mắc rất cao và có thể gây tử vong. Mức độ nặng nhẹ còn phụ thuộc vào các tác nhân gây bệnh, độ tuổi cũng như tình trạng sức khoẻ của mỗi người.
Bệnh viêm phổi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp thông qua những hạt nước nhỏ li ti bắn ra khi nói chuyện, ho, nhất là ở những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh về máu, suy dinh dưỡng, thiếu hụt miễn dịch...
Một số biểu hiện chủ yếu của bệnh viêm phổi như:
- Ho khan hoặc ho có đàm hoặc đôi khi có máu;
- Sốt cao kèm lạnh run;
- Đau tức ngực nhất là khi thở sâu hay ho;
- Thở nhanh và khó thở;
Ngoài ra còn có thể kèm theo các dấu hiệu như đau đầu, ra nhiều mồ hôi, da tái nhợt, ăn không ngon miệng, mệt mỏi, lừ đừ.
Trong giai đoạn đầu, bệnh diễn ra âm thầm, kín đáo, rất giống với các bệnh hô hấp khác như khó chịu, ớn lạnh, sốt nhẹ, ho khan cho nên trong nhiều trường hợp người bệnh cứ tưởng nhầm là viêm họng cảm cúm nên tỏ ra chủ quan và đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới phát hiện.
Nếu phát hiện sớm điều trị kịp thời hiệu quả sẽ rất cao nhưng nếu phát hiện trễ hoặc điều trị không đúng thì rất dễ gây những biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
Để có thể phát hiện sớm bệnh viêm phổi ở người cao tuổi cần chú ý khi có các dấu hiệu như thở nhanh, thở khó, ho khan, đau tức ngực, sốt nhẹ cần phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được khám chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Về điều trị bệnh viêm phổi, hiện nay có rất nhiều loại kháng sinh và mỗi loại tác nhân gây bệnh sẽ có một hoặc nhiều loại kháng sinh để điều trị cho nên việc điều trị vô cùng thuận lợi.
Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý mua thuốc về điều trị hoặc nghe theo sự hướng dẫn của người mắc bệnh trước đó vì như thế sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng quen thuốc của tác nhân gây bệnh và làm cho bệnh trầm trọng thêm đôi khi làm lu mờ, mất hết các dấu hiệu của bệnh rất khó trong việc chẩn đoán và điều trị.
Để phòng ngừa bệnh viêm phổi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Cần tránh tiếp xúc trực tiếp hoặc đến gần với người đang mắc bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch nhất là sau khi đi tiểu, đại tiện, trước khi ăn uống hay chuẩn bị thức ăn.
- Không hút thuốc lá vì có thể gây phá huỷ phổi, làm giảm các chức năng hô hấp vốn có của phổi và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
-Cần đeo khẩu trang khi làm quét dọn nhà cửa.
Ngoài ra, hiện nay còn có thể tiêm phòng vắc-xin ngừa viêm phổi để ngăn ngừa nguy cơ mắc ở người cao tuổi, nhất là ở những người mắc bệnh đái tháo đường, hen phế quản và các loại bệnh mạn tính khác./.
Bs Hồ Văn Cưng