Tiếng Việt | English

25/08/2015 - 10:52

Vất vả nghề bốc vác

Bốc vác được nhiều người gọi là nghề “bán sức khỏe, mua bệnh tật”. Dù biết rằng công việc bốc vác rất nặng nhọc, làm việc trong môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe,… nhưng những người theo nghề vẫn chấp nhận để có tiền trang trải cuộc sống.


Giữa cái nắng đổ lửa, nhiều người vẫn miệt mài với bao lúa trên vai

Đa số những người làm nghề bốc vác thường có trình độ học vấn thấp, không nghề nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn,… Họ tập hợp lại thành một nhóm và một người có uy tín được bầu làm đội trưởng. Đội trưởng có nhiệm vụ bắt mối với các thương lái, phân công, tập hợp các anh em lại và đứng ra nhận tiền, chia tiền.

Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người bốc vác chỉ là thỏa thuận bằng miệng, do vậy khi xảy ra tai nạn, rủi ro thì người bốc vác tự chịu trách nhiệm.

Với một nghề lao động nặng nhọc như nghề bốc vác thì việc xảy ra tai nạn trong lao động hay bệnh nghề nghiệp là không thể tránh khỏi. Người thì bị trầy tay, đứt chân,... cái lo về lâu, về dài 10 người thì hết 9 người khi về già sẽ bị đau khớp xương, bệnh phổi,… Biết trước điều đó nhưng nhiều người vẫn không đi khám bệnh. Họ cho rằng đồng lương chẳng có là bao, nếu đi khám bệnh vừa mất ngày công, vừa tốn tiền nên cứ để thế trôi qua.

Nghề bốc vác thường không có giới hạn thời gian, họ phải có mặt mọi lúc, mọi nơi khi thương lái cần. Có khi họ phải thức cả đêm để vác hàng chục tấn hàng đáp ứng nhu cầu của thương lái. Anh Nguyễn Văn Bé, ngụ ấp Rạch Đình, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, lau vội những giọt mồ hôi bày tỏ: Mỗi ngày, một tổ vác khoảng 60 - 70 tấn lúa. Mỗi tấn được chủ trả 50.000 đồng, nếu may mắn, đoạn đường từ bãi chất lúa đến ghe gần và bằng phẳng, còn nếu đoạn đường xa hoặc có dốc thì cũng chỉ được 60.000 đồng/tấn. Mọi người trong một tổ bốc vác tự phân công với nhau. Cứ thế sau mỗi ngày làm việc, mỗi người được chia trên dưới 200.000 đồng, tùy mức độ nặng nhẹ của công việc mà hôm đó đội làm nhiều hay ít.

Nghề bốc vác tuy nặng nhọc nhưng là một nghề chân chính. Họ là những lao động nghèo, bán sức lao động đổi lấy chén cơm. “Đa số chúng tôi là người không có trình độ, lớn tuổi nên không thể xin vào công ty, xí nghiệp được. Vì vậy, công việc này dù nặng nhọc nhưng chúng tôi vẫn cố bám trụ với nghề, tất cả cũng chỉ vì cuộc sống bản thân và gia đình” - Đội trưởng đội bốc vác - Huỳnh Tí Hon, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng chia sẻ.

Dưới cái nắng oi ả giữa trưa hè, với bao lúa trên vai, đôi chân người bốc vác vẫn rất nhanh nhẹn vượt qua con dốc với thân người ướt đẫm mồ hôi, những câu trêu đùa, chọc ghẹo lẫn nhau rồi cười khà,… giúp họ quên đi nỗi vất vả nhọc nhằn!./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết