Tiếng Việt | English

06/10/2016 - 05:05

Đề thi minh họa: Khó “ăn” điểm!

Đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa được công bố có nhiều đổi mới, tuy nhiên đề có nhiều câu hỏi khó trong khi thời gian thi ngắn sẽ gây áp lực cho thí sinh

Đề thi minh họa các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố chiều 5-10. Theo đó, đề thi minh họa môn toán có 50 câu, thời gian thi 90 phút; môn văn có 6 câu, thời gian thi 120 phút; môn ngoại ngữ có 60 câu, thời gian thi 50 phút; các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, vật lý, hóa học, sinh học có 40 câu, thời gian thi 50 phút.

Đề toán phân hóa nhưng thiếu ứng dụng

Nhiều giáo viên toán tại TP HCM cho rằng đề thi minh họa môn toán mà Bộ GD-ĐT công bố là đề thi hay, mang tính chất toán học, lồng ghép tính ứng dụng; học sinh (HS) phải nắm vững kiến thức mới có thể làm được.


Thí sinh trao đổi đề thi sau khi kết thúc môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 Ảnh: TẤN THẠNH

Với đề trắc nghiệm toán, ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie (TP HCM), cho biết với đề thi minh họa này, bộ đã hạn chế tối đa việc HS có thể dùng máy tính để suy luận ra câu trả lời (chỉ có 4/50 câu là HS có thể dùng được máy tính).

Theo giáo viên này, đề thi minh họa khá hay, toàn bộ kiến thức nằm trong chương trình lớp 12. Ở phần khảo sát hàm số, đề thi đã có những câu hỏi về cực trị của hàm số, tính chất đơn điệu của hàm số, giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số, câu hỏi về phương trình, tích phân… Với đề thi này, HS học lực trung bình cũng có thể đạt từ 5-6 điểm (làm được khoảng 30 câu đầu), 20 câu còn lại dùng để phân hóa HS.

Tuy nhiên, có một hạn chế là phần hình học không gian hơi rắc rối, vẫn mang hơi hướng tự luận ở những câu này. Hơn nữa, nếu câu nào cũng vẽ hình thì tốn thời gian của HS. “Đề thi minh họa môn toán khá hay, độ phân hóa HS tốt, đòi hỏi HS phải nắm vững lý thuyết toán mới có thể làm bài được” - ông Toàn nhận định.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), cho rằng với cấu trúc và đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra khá hợp lý, phạm vi kiến thức trong đề thi hoàn toàn nằm ở chương trình lớp 12. Đề thi cũng có độ phân hóa rất tốt, có câu hỏi đã yêu cầu phải có ứng dụng thực tế, đó là ứng dụng một chút kiến thức tích hợp vật lý. “Tuy nhiên, với đề thi này, chỉ có một vài câu hỏi mấp mé tính ứng dụng (2 câu). Nên có thêm một vài câu mang tính ứng dụng nữa để HS làm quen” - ông Hiếu nói.

Ông Bùi Gia Hiếu cũng cho rằng đề thi tuy hay nhưng nếu học sinh không làm quen với đề thi trắc nghiệm, không có kỹ năng làm bài thi dạng này thì rất khó đạt được 5 điểm vì không đủ thời gian làm bài. Trong khi đó, kiến thức lại nhiều, nếu là HS trung bình sẽ khó nhận biết câu dễ hay khó để phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Trong trường hợp không nhận biết được, các em sẽ làm tuần tự, đánh lụi thì càng tốn thời gian hơn.

Đề tổ hợp: Quá nặng!

Nhiều giáo viên tỏ ra băn khoăn về việc bài thi tổ hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên có quá nhiều câu hỏi, có thể tạo tâm lý mệt mỏi cho thí sinh dẫn đến hiệu quả làm bài không tốt. Theo thầy Nguyễn Văn Toàn - giáo viên một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội - trong tổ hợp môn tự nhiên và xã hội, mỗi môn thi có 40 câu, thời gian làm bài 50 phút. Như vậy, bài thi tổ hợp có tới 120 câu và thời gian làm bài chỉ 150 phút là quá áp lực, căng thẳng cho HS. “Nếu đọc cho được 120 câu hỏi, mỗi câu lại có 4 phương án thì nhiều khả năng là chỉ những câu đầu thí sinh làm bài tốt, những câu sau khi bắt đầu mệt mỏi rồi thì chất lượng làm bài sẽ không cao. Bộ GD-ĐT nên xem xét lại số câu hỏi trong mỗi bài thi” - thầy Toàn nói.

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1, TP HCM cho biết với cấu trúc đề thi như bộ công bố, những bài thi tổ hợp sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho HS. Chẳng hạn như một em lựa chọn tổ hợp thi truyền thống toán, lý, hóa thì những câu hỏi lý, hóa về độ dài và mức độ câu hỏi cũng không kém môn toán bao nhiêu. “Bộ nói HS chỉ phải thi 4 bài nhưng thực chất, các em phải thi ít nhất đến 6 môn để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Một buổi sáng phải thi đến 3 môn thì làm khó các em quá và rất áp lực” - vị hiệu trưởng này cho biết./.

Lo dạy theo… trắc nghiệm

Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cho biết để HS kịp làm quen phương án thi mới, trường đã tổ chức họp các tổ giáo viên để triển khai sinh hoạt chuyên đề theo hình thức thi trắc nghiệm. Các giáo viên cũng được khuyến khích tìm tòi, điều chỉnh cách dạy, luyện HS phương pháp học, kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Riêng các môn trong tổ hợp môn khoa học xã hội, đặc biệt có môn giáo dục công dân, trường đã họp với giáo viên lên kế hoạch dạy học cụ thể.

Theo Yến Anh-Đặng Trinh/NLĐ Online

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích