Nông dân phấn khởi
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, nông dân thu hoạch lúa HT gần 34.000ha, tập trung nhiều ở các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Năng suất ước 57,4 tạ/ha (lúa khô), sản lượng 193.780 tấn. Mặc dù có giảm hơn so với tháng trước từ 200-500 đồng/kg nhưng giá lúa hiện tại vẫn ở mức cao, dao động từ 5.000-6.900 đồng/kg, tùy từng loại giống. So với cùng kỳ, giá lúa tăng từ 500-1.000 đồng/kg, số diện tích đã thu hoạch, nông dân thu lợi nhuận khá cao.
Nông dân huyện Tân Hưng gieo sạ dứt điểm lúa vụ HT 2020 với diện tích 36.969ha. Các giống chủ yếu được sử dụng trong vụ này là IR 50404, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, ST24, OM 4900, Jasmine 85,… Số diện tích gieo sạ sớm đến nay đã thu hoạch gần 10.000ha, tập trung nhiều ở các xã: Vĩnh Châu A, Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, với năng suất từ 5,5-6 tấn/ha (lúa tươi), giá lúa dao động từ 5.000-7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/ha.
Đến thời điểm này, nông dân thu hoạch gần 34.000ha lúa Hè Thu 2020
Anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, chia sẻ: Mặc dù thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài làm trà lúa chậm phát triển nhưng nhờ chủ động phòng ngừa sâu, bệnh nên năng suất đạt khá. Hơn 3ha lúa của gia đình thu hoạch năng suất gần 6 tấn/ha, bán giá 5.700 đồng/kg (giống OM 4218). Với giá lúa này, trung bình mỗi hécta lúa đạt lợi nhuận hơn 15 triệu đồng.
Theo nhiều nông dân, trong vụ này, năng suất các giống lúa đạt trung bình so với mọi năm, riêng giống nếp không những năng suất tăng mà giá bán cũng ở mức cao. Anh Đặng Chí Thanh, ngụ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, thu hoạch 3ha nếp hơn 10 ngày qua, năng suất hơn 6 tấn/ha, bán giá 7.000 đồng/kg. Gia đình anh thu lợi nhuận hơn 70 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Kết, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, cũng vừa thu hoạch hơn 2ha nếp. Trước khi thu hoạch, thương lái đã liên hệ thu mua. Với giá bán 7.000 đồng/kg, năng suất 6,4 tấn/ha, anh thu lợi nhuận gần 25 triệu đồng/ha; hiện còn 2ha đang được tích cực chăm sóc, sẽ thu hoạch trong vài ngày tới.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On, vụ lúa HT 2020, toàn huyện xuống giống 28.972/28.000ha. Đến thời điểm này, nông dân thu hoạch được hơn 21.000ha, năng suất trung bình 6-6,5 tấn/ha (lúa tươi). Giá bán đối với giống IR 50404 từ 4.800-5.000 đồng/kg; các giống: OM 4900, OM 5451, OM 6976, Nàng Hoa 9, Đài thơm 8 dao động từ 5.800-6.100 đồng/kg; nếp từ 6.800-7.000 đồng/kg. Hiện số diện tích còn lại trong giai đoạn chín, dự kiến thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 6.
Ít sâu, bệnh gây hại
Theo ngành chuyên môn, sâu, bệnh gây hại có xuất hiện trên lúa HT 2020 (bệnh đạo ôn, bọ trĩ, rầy nâu, ngộ độc phèn,…), nhưng mật độ, tỷ lệ nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Theo thống kê, hiện có 1.140ha bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, bệnh xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở các huyện: Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Hòa và Đức Huệ; 784ha nhiễm rầy nâu, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện: Tân Thạnh, Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường; 348ha bị rầy cánh phấn, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường; 1.054ha bọ trĩ, mật độ 1.500-3.000 con/m2, xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ ở các huyện Mộc Hóa, Đức Hòa và thị xã Kiến Tường. Ngoài ra, còn có một số dịch hại khác: Sâu cuốn lá nhỏ (400ha), ốc bươu vàng (300ha), bệnh cháy bìa lá (50ha), ngộ độc phèn (45ha),… xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh, đòng trổ ở các huyện Vĩnh Hưng, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường, vụ lúa HT 2020, nông dân trên địa bàn xuống giống 28.706/28.450ha. Đến thời điểm này, nông dân thu hoạch hơn 100ha, năng suất từ 5,8-6,4 tấn/ha. Hiện số diện tích còn lại phát triển tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết, một số diện tích bị sâu, bệnh gây hại. Hiện có gần 400ha lúa sâu, bệnh gây hại, trong đó, 99ha lúa bị đạo ôn lá, 45ha bệnh cháy bìa lá, 110ha bị rầy cánh phấn, 150ha bị bệnh lem lép hạt.
Anh Nguyễn Sơn Lộc, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Hiện 5ha lúa bị sâu cuốn lá gây hại nhưng mật độ không đáng kể, tôi chủ động phun xịt thuốc phòng trị để có vụ mùa thắng lợi”.
Còn huyện Mộc Hóa, đến thời điểm này đã gieo sạ 21.240ha lúa HT 2020, trong đó, giai đoạn mạ hơn 5.000ha, giai đoạn đẻ nhánh hơn 8.000ha, đòng trổ gần 8.000ha và chín 200ha. Dịch bệnh gây hại chủ yếu là bọ trĩ, rầy nâu, rầy cánh phấn, đạo ôn lá và sâu cuốn lá với diện tích gần 1.700ha.
Để có vụ mùa bội thu
Theo dự báo của ngành chuyên môn, ngộ độc phèn tiếp tục phát sinh trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh, ốc bươu vàng gia tăng diện tích nhiễm trên lúa mới gieo sạ ở các huyện phía Nam. Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn trổ chín, tập trung ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười.
“Để vụ lúa HT 2020 thắng lợi trên cả 3 mặt: Diện tích, năng suất, sản lượng, huyện chỉ đạo các ngành liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, sâu, bệnh để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, có giải pháp nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất và gia cố các hệ thống đê bao lửng ở các xã vùng thấp của huyện để tránh lũ chụp vào cuối vụ” - ông Trần Văn Cường cho biết.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, để bảo đảm sản xuất vụ HT 2020 thắng lợi, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên quan trắc chất lượng nguồn nước bảo đảm tới đâu thì khuyến cáo gieo sạ tới đó, tập trung xuống giống các diện tích còn lại theo kế hoạch; những nơi bị nhiễm mặn do sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, chỉ xuống giống khi đã được rửa mặn. Xuống giống đợt 3 lúa HT 2020 tại các vùng không chủ động nguồn nước và các huyện phía Nam từ ngày 13 đến 25/6/2020.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh gây hại trên đồng ruộng như rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, sâu cuốn lá,... từ đó hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý, phòng trừ hiệu quả và an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao; công tác chuẩn bị ứng phó mưa, lũ
bất thường.
Riêng lúa vụ Thu Đông, căn cứ vào điều kiện của từng địa phương mà xây dựng kế hoạch chi tiết, theo dõi sát tình hình nguồn nước, mưa lũ, đê bao, nhu cầu thị trường để bố trí diện tích bảo đảm an toàn, phấn đấu đạt sản lượng 50.000 tấn. Lịch xuống giống lúa Thu Đông đợt 1 từ ngày 13 đến 25/6/2020 và kết thúc xuống giống muộn nhất đến ngày 10/8/2020. Đối với vụ mùa 2020-2021, toàn tỉnh gieo sạ 1.800ha. Khi bố trí thời vụ cần lưu ý đến thời điểm dự báo khả năng di trú của rầy nâu và khả năng xâm nhập mặn sớm ảnh hưởng đến lúa.
Trên cơ sở khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân cần chủ động hơn trong việc chăm sóc như thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu, bệnh gây hại, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả./.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh gieo sạ lúa Hè Thu (HT) 2020 được 181.809/217.640ha, đạt 83,5% kế hoạch, bằng 82,1% so cùng kỳ năm 2019. Nông dân thu hoạch gần 34.000ha, tập trung nhiều ở các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Năng suất ước 57,4 tạ/ha (lúa khô), sản lượng 193.780 tấn. Mặc dù có giảm hơn so với tháng trước từ 200-500 đồng/kg nhưng giá lúa hiện tại vẫn ở mức cao, dao động từ 5.000-6.900 đồng/kg, tùy từng loại giống. So với cùng kỳ, giá lúa tăng từ 500-1.000 đồng/kg, số diện tích đã thu hoạch, nông dân thu lợi nhuận khá cao. |
Văn Đát