Giá lúa cao và ổn định
Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 169.719ha lúa HT, đạt 78% kế hoạch (217.640ha), trong đó, thu hoạch 30.938ha, năng suất khô ước đạt 58,2 tạ/ha, sản lượng 180.187 tấn, tập trung chủ yếu các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện giá lúa ở mức cao và ổn định. Lúa IR50404 từ 5.000-5.600 đồng/kg; lúa OM5451 từ 5.100-5.500 đồng/kg, tăng thêm 100 đồng/kg so với tuần trước; lúa Đài thơm 8 từ 5.400-5.800 đồng/kg; nếp từ 6.400-6.500 đồng/kg.
Ông Trương Văn Danh (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) vui vẻ nói: “Vụ này, chi phí sản xuất có tăng do ảnh hưởng hạn hán nhưng lúa có giá và năng suất tương đối cao nên tôi và nhiều hộ dân ở đây có lời từ 1,5-2 triệu đồng/0,1ha, cao hơn so cùng kỳ. Vụ HT này, với hơn 1ha sạ giống IR50404, tôi thu hoạch đạt năng suất trên 7 tấn, tăng hơn 500kg so với vụ HT 2019. Lúa ngay sau thu hoạch bán với giá 5.300 đồng/kg, cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ HT 2019”.
Vụ Hè Thu 2020, nông dân phấn khởi giá lúa “tốt”
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, giá lúa được nông dân bán cho doanh nghiệp và thương lái trong vụ HT 2020 đang ở mức cao hơn từ 500-1.000 đồng/kg. Tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, lúa tươi IR50404 có giá 5.000-5.600 đồng/kg, riêng những nông dân đã lấy tiền cọc, thỏa thuận giá bán cho thương lái từ những tuần trước thì giá cũng khoảng 5.000-5.200 đồng/kg.
Trong khi đó, nhiều loại lúa tươi hạt dài như: OM 5451, 4900 đang được nông dân bán ngay tại ruộng với giá từ 5.000-5.500 đồng/kg, tùy thời điểm lấy tiền cọc. Những nông dân đã nhận tiền cọc bán lúa càng sớm thì năm nay “bị hố” so với những người mới nhận tiền cọc trong thời gian gần đây. Anh Nguyễn Văn Minh (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) cho biết: “Tôi vừa thu hoạch 3ha lúa OM4900, bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá 5.100 đồng/kg, cao hơn 600 đồng/kg so cùng kỳ. Do năm nay trời nắng gay gắt nên lúa không trúng lắm. Tuy nhiên, nhờ lúa bán được giá nên có lời chút ít”.
Nhìn chung, vụ HT 2020, nông dân rất phấn khởi khi lúa bán được giá, có lợi nhuận để đầu tư tái sản xuất cho các vụ sau. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, vụ HT này, dù sản xuất gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, phải tốn nhiều chi phí bơm tưới nước nhưng nhờ tăng cường đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,… nên nhiều trà lúa tại địa phương vẫn bảo đảm năng suất, chi phí sản xuất không quá cao. Việc thu hoạch lúa cũng thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí do lúa HT 2020 ít bị đổ ngã, đồng ruộng lại khô ráo, nên vận chuyển lúa bằng cơ giới thuận lợi. Hầu hết các ruộng lúa HT 2020 đều được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, với giá thuê máy chỉ ở mức 270.000-300.00 đồng/0,1ha, tùy theo đồng lúa lớn hay nhỏ. Bên cạnh đó, hiện mới có một phần nhỏ diện tích lúa HT 2020 được thu hoạch nên nông dân vẫn còn lo lắng tình hình thời tiết mưa, gió diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa, nhất là khi bước vào mùa mưa trong thời gian tới.
Tập trung chăm sóc
Để vụ lúa HT 2020 bảo đảm thắng lợi, giảm thiệt hại do các yếu tố bất lợi, ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các địa phương thực hiện triệt để phương châm xuống giống đồng loạt, tập trung nhanh gọn theo từng vùng; xuống giống vụ HT tuân thủ theo dự báo nguồn nước đối với từng tiểu vùng cụ thể trong tỉnh. Trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ vào dự báo nguồn nước, thị trường chủ động điều chỉnh diện tích các vụ lúa trong năm phù hợp.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, hiện nay, tiến độ gieo sạ vụ HT 2020 vẫn còn chậm do điều kiện thời tiết phức tạp, sâu, bệnh phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đẻ nhánh do tuần qua thời tiết mưa nhiều. Tuy nhiên, đa số các đối tượng sinh vật gây hại chỉ phát sinh với mật độ, tỷ lệ nhẹ trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ. Hiện ngành cùng các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, bố trí kế hoạch xuống giống lúa HT hợp lý; rà soát bản đồ cơ cấu mùa vụ khuyến cáo nông dân xuống giống phù hợp với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm và theo lịch né rầy. Riêng các huyện phía Bắc tăng cường tuyên truyền Công văn số 2076/UBND-KTTC, ngày 14-4-2020 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo sản xuất lúa vụ HT và Thu Đông 2020, thông tin lịch gieo sạ né rầy đợt 3 từ ngày 13-25-6-2020 để nông dân chủ động bố trí thời gian gieo sạ; tăng cường công tác dự tính, dự báo, phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ địa phương bám sát đồng ruộng; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để cảnh báo kịp thời và hướng dẫn nông dân phòng, chống sinh vật gây hại trên các loại cây trồng,…
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, năm nay, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đồng bằng Nam bộ. Đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền ở mức báo động 1-2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2-0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm nay vào nửa cuối tháng 9. Theo đó, các địa phương cần quan tâm 2 thời điểm về tình trạng lũ nội đồng là lũ đầu vụ và chính vụ. Lũ đầu vụ sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch vụ lúa Hè Thu, trực tiếp ảnh hưởng đến hệ thống bờ bao lửng. Lũ chính vụ tác động đến các đê bao bảo vệ lúa Thu Đông, rau màu, cây ăn trái. |
Huỳnh Phong