Đến năm 2030 có 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh - Ảnh: V.F.
Khai tử xe xăng vào năm 2050
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị các bộ, ngành góp ý trước ngày 28-8 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-8.
"Nếu Bộ GTVT không nhận được văn bản góp ý thì coi như quý cơ quan thống nhất với dự thảo báo cáo", văn bản lấy ý kiến của Bộ GTVT nêu rõ.
Văn bản lấy ý kiến lần 2 về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện được Bộ GTVT gửi tới 7 bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Đồng thời gửi tới 5 công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, gồm: Công ty TNHH kinh doanh thương mại và dịch vụ VinFast, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Công ty CP ô tô Trường Hải, Công ty CP tập đoàn Thành Công.
Bộ GTVT cho biết tính tới thời điểm ngày 31-7 có 8 bộ, cơ quan ngang bộ và 30 tỉnh, thành phố chưa có ý kiến góp ý với báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện.
Cũng theo bộ này, tính đến hết tháng 7 năm nay, cả nước có khoảng 20.065 ô tô điện đang sử dụng, trong đó đa phần là xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện, Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; và đến năm 2030 có 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, có 100% phương tiện giao thông, máy thi công chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh, đồng thời hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Một loạt ưu đãi đối với sản xuất, lắp ráp và sử dụng ô tô điện đang được Bộ GTVT đề xuất để khuyến khích người dân mua xe ô tô điện - Ảnh: V.F.
Doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ người mua 1.000 USD/ô tô điện
Về chính sách hỗ trợ với ô tô điện, trong báo cáo vừa gửi tới các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương và các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn trong nước, Bộ GTVT đã đưa ra đề xuất ưu đãi tổng thể về quy định pháp luật; tài chính, đầu tư; nhập khẩu; khai thác vận hành.
Nổi bật là các chính sách như: bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin ô tô điện vào nhóm ngành đặc biệt ưu đãi đầu tư; miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu, ưu đãi tiếp cận tín dụng, miễn giảm phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số.
Hỗ trợ giá bán điện cho các trạm/trụ sạc, thu phí khí thải với các phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông với xe điện, hỗ trợ kinh phí với công tác nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ…
Trong báo cáo gửi tới các bộ, ngành, Bộ GTVT cũng đề cập tới một số đề xuất chính sách của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô điện như tiếp tục ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện là 3%.
Sau ngày 28-2-2027 thực hiện miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% thuế VAT trong 5 năm tiếp theo; miễn lệ phí trước bạ với ô tô điện trong 5 năm kể từ ngày 1-3-2022, trong 2 năm tiếp theo giảm 50% lệ phí trước bạ.
Miễn lệ phí cấp biển số 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển số cho ô tô điện.
Điều đáng lưu ý là các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện đề nghị trợ cấp cho người mua ô tô điện 1.000 USD/xe.
Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp cho tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang ô tô điện phù hợp với nguồn lực ngân sách nhà nước.
Cả nước hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện là VinFast và Công ty CP ô tô TMT, bên cạnh đó Công ty CP tập đoàn Thành Công và Công ty CP ô tô Trường Hải đã giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện của Hyundai, KIA tới khách hàng. |
Theo TTO