Đường giao thông xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân
Các xã “chạy nước rút”
Theo lộ trình XDNTM, cuối năm 2016, toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt NTM. Đó là xã Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường), Bình Tịnh (huyện Tân Trụ), Mỹ An (huyện Thủ Thừa), Hiệp Thạnh (huyện Châu Thành), Nhựt Chánh (huyện Bến Lức), Tân Kim (huyện Cần Giuộc) và Lộc Giang (huyện Đức Hòa). Để đạt chuẩn NTM đúng hẹn, các địa phương này tập trung dồn sức “chạy nước rút” ở những tháng cuối năm.
Tại xã Tân Kim, với xuất phát điểm khi phát động chương trình đầu tư XDNTM, các TC đạt khá thấp (năm 2010 có 9/19 TC). Hơn 5 năm nỗ lực, phấn đấu, đến nay xã cơ bản đạt 19/19 TC. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Kim, tổng nguồn lực huy động cho XDNTM của xã từ năm 2010 đến nay là 103,34 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước (bao gồm cấp tỉnh, huyện, xã) 92,49 tỉ đồng; vốn cộng đồng đóng góp hơn 3,8 tỉ đồng; vốn tín dụng 5 tỉ đồng và các nguồn vốn khác khoảng 2 tỉ đồng.
Chúng tôi gặp ông Hứa Châu Thành, ngụ ấp Tân Xuân - một trong những hộ dân hiến đất của xã Tân Kim. Địa bàn xã giáp ranh với TP.HCM nên giá đất khá đắt. Ấy vậy, khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, ông Thành hiến 120m2 để làm đường giao thông nông thôn.
Ông chia sẻ: "Đất đai với người dân là vốn quý. Nhưng vì lợi ích chung, vì sự phát triển của địa phương và quan trọng hơn là mở rộng đường giao thông, bản thân mình cũng có lợi nên tôi đồng ý. Tại đây, không chỉ tôi mà còn nhiều gia đình khác cũng tích cực hưởng ứng phong trào XDNTM".
Đường giao thông xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân
Để đạt 19 TC, từ đầu năm 2016, xã Tân Kim tập trung “chạy đua” với những TC khó. Hiện tại, các TC đã hoàn thiện, nhưng địa phương cho rằng, cần tiếp tục củng cố TC giao thông, môi trường, trường học. Riêng TC trường học, hiện xã có 2 trường đạt chuẩn quốc gia; 1 trường đang tập trung xây dựng (Trường Mẫu giáo Tân Kim), đến nay tiến độ đạt 50%; dự kiến cuối tháng 12-2016 hoàn chỉnh sẽ giúp xã đạt TC này.
Đối với Bình Tịnh, Chủ tịch UBND xã - Phan Minh Thắng thông tin: “Lúc đầu, Bình Tịnh không được chọn là xã điểm XDNTM, nhưng thời gian qua, với sự quyết tâm và chung sức, đồng lòng, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tích cực hưởng ứng chương trình. Nhận thấy được tiềm năng của xã, tỉnh và huyện tập trung đầu tư để Bình Tịnh kịp về đích NTM vào cuối năm 2016. Hiện xã đạt 19/19 TC. Tuy nhiên, một vài TC còn đang chờ các công trình hoàn thành để kịp tiến độ. Do đó, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm y tế mới. Chính quyền vận động, kêu gọi nhân dân đóng góp kinh phí duy tu những tuyến đường nông thôn xuống cấp, cần sửa chữa để đạt chuẩn NTM”.
Tại cuộc giám sát XDNTM xã Bình Tịnh vào ngày 23-10-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được đánh giá cao những nỗ lực của xã trong quá trình triển khai thực hiện chương trình XDNTM. Tuy nhiên, ông đề nghị địa phương cần nhanh chóng đẩy mạnh các công trình để kịp tiến độ về đích. Rà soát, củng cố thêm những TC “non” như giao thông; quan tâm những TC “dễ vỡ” như môi trường; tuyên truyền, vận động người dân xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tạo vẻ mỹ quan tại làng quê của xã NTM.
Nhờ xây dựng nông thôn mới, Trạm Y tế xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc được đầu tư xây mới
Cần thêm vốn hỗ trợ
XDNTM có nhiều TC quy định. Để đạt 19 TC đó, phải cần rất nhiều nguồn vốn để hỗ trợ các xã. Thời gian qua, những địa phương này dù được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư, song nguồn lực có hạn; trong khi đó, những TC khó lại rất cần vốn mới hoàn thiện được.
Tại xã Tuyên Thạnh, mặc dù hiện nay đạt 19/19 TC, song để được công nhận xã NTM, địa phương vẫn phải tập trung nguồn lực. Xã Tuyên Thạnh thuộc vùng Đồng Tháp Mười, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Đây là một trong những khó khăn của địa phương. Hơn nữa, kinh tế hợp tác nông nghiệp dù có hiệu quả nhưng chưa cao, lao động nhàn rỗi ở nông thôn còn nhiều; các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí cho những hộ dân ở vùng sâu. Với những hộ sống xa trung tâm xã, cuộc sống vất vả nên khó khăn trong quá trình tuyên truyền XDNTM. Nguồn vốn thực hiện công trình hạn chế nên khi vận động nhân dân hiến đất để thực hiện công trình, lúc đầu họ không thống nhất mà yêu cầu được hỗ trợ bồi thường.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kim - Huỳnh Quang Lộc, thời gian qua, tại địa phương, đa số các TC chưa đạt đòi hỏi ngân sách đầu tư lớn như giao thông, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất văn hóa,... Địa phương gần với TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, dân nhập cư từ các khu vực có thu nhập thấp, bị giải tỏa từ TP.HCM đến cư trú gây khó khăn, phức tạp cho việc quản lý về an ninh, trật tự xã hội; vệ sinh môi trường có nhiều ảnh hưởng. Riêng TC chợ nông thôn, xã nhận thấy rằng, do xã Tân Kim gần với chợ Quy Đức (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và chợ Cần Giuộc nên không cần thiết đầu tư chợ. Vì vậy, TC này của xã không thực hiện, giảm một phần kinh phí trong XDNTM.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM tỉnh - Tô Ngọc Xuân cho biết, hiện tỉnh phân bổ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình là 214,5 tỉ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương trực tiếp hỗ trợ 131,5 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh (nguồn xổ số kiến thiết) hỗ trợ 83 tỉ đồng. Từ số tiền của tỉnh phân bổ cho 166 xã XDNTM, mỗi xã 500 triệu đồng. Nhờ đó, các địa phương triển khai đầu tư các lĩnh vực như nước sạch, vệ sinh môi trường, kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho trạm y tế, giao thông, trường học, nhà văn hóa ấp, điện, thủy lợi,...
Riêng đối với 7 xã dự kiến về đích NTM vào cuối năm 2016, Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm 37,7 tỉ đồng, tạo điều kiện cho các xã có thêm vốn mồi thực hiện một số công trình. Tuy nhiên, nguồn ngân sách đầu tư vẫn chưa nhiều, trong khi những xã nằm trong lộ trình về đích NTM giai đoạn 2016-2020, phần lớn là những xã khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa hơn so với những xã được công nhận NTM trước đây nên cần tập trung nguồn lực hơn nữa.
Cũng theo ông Xuân, một số TC khó như giao thông, trường học, y tế,... muốn đạt cần huy động kinh phí khá lớn. Trong khi tiềm lực các xã còn yếu, các TC NTM ở giai đoạn sau này lại nâng cao hơn. Đó là TC về tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập; TC số 13 về mỗi xã có ít nhất 1 hợp tác xã hay tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; sử dụng nước sạch;... Do đó, để các TC đạt chuẩn theo quy định là một thử thách rất lớn với các địa phương.
Để về đích NTM theo đúng lộ trình, thiết nghĩ, những địa phương này không chỉ cần sự “rót vốn” từ trên mà phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa. Không những vậy, các xã cần tranh thủ huy động sức dân, sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay, hưởng ứng chương trình XDNTM./.
Thanh Nga