Tiếng Việt | English

09/04/2022 - 10:10

Đền Hùng có bánh chè lam

Đến thăm Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, có thể thấy chè lam được bày bán rất nhiều như một thức quà đặc sản của đất Phú Thọ. Du khách thường được các chủ quầy mời nếm thử miếng chè lam thơm ngọt kèm chén trà thơm... Chè xanh thêm chút gừng cay/ Ăn bánh rau sắng làm say lòng người/ Khách đi khách lại cũng ham/ Khi về đã có chè lam Đền Hùng là lời rao ngân nga khá thu hút du khách khi đến viếng Đền Hùng.

Thưởng thức chè lam, đừng quên kèm theo một tách trà nóng

Chè lam là món quà quê được người dân ở nhiều làng quê của tỉnh Phú Thọ tất bật làm quanh năm, nhưng có lẽ sôi động nhất là vào các tháng trước và sau Tết Nguyên đán vì đây là khoảng thời gian phục vụ tết và lễ hội.

Người ta nói rằng, ở đất vua Hùng vào ngày tết, trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình đều được gia chủ bày lên một, hai hộp bánh chè lam thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên của mình. Rất nhiều gia đình có thể tự làm chè lam bằng những bí quyết và công thức truyền đời. Có thể nói, làm các món ăn truyền thống, giữ nếp sinh hoạt là cách gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc cho các thế hệ sau một cách mộc mạc mà hiệu quả. Điều này rất đúng với thức quà dân dã mà đặc trưng ở miền đất Phú Thọ.

Tuy nguyên liệu làm món ăn này không phải đặc biệt khác lạ mà trái lại, còn giống với những nguyên liệu của nhiều loại bánh khác như nếp cái hoa vàng, đường, gừng, lạc (đậu phộng), vừng và mật mía nhưng chính công thức bí truyền làm chiếc bánh mang những hương vị thơm ngon độc đáo. Khi làm chè lam, những người thợ phải chọn nếp cái hoa vàng, hạt nếp phải già và mẩy, được phơi già nắng.

Chè lam vừa ra lò

Trước đó, những hạt thóc được cho xuống nền đất và phủ lên một tấm chăn mỏng để thóc chín hơn, có như vậy khi làm bánh sẽ dẻo hơn. Hạt thóc ủ đủ thời gian được cho vào một chiếc chảo bằng gang để rang nhưng phải đảo thật đều tay, nở bung ra thành những hạt bỏng màu trắng đều nhau. Sau đó, sàng bỏ vỏ trấu rồi mang hạt bỏng đi nghiền và lọc lấy bột mịn gọi là bột áo. Tiếp đến là khâu chọn lạc, hạt lạc phải ngon, to, mẩy, không sâu, đem rang vừa chín; sau đó bỏ vỏ, giã giập vừa phải, cuối cùng đổ vào thùng hoặc cho vào túi nhưng phải buộc thật kín để giữ được độ giòn và hương thơm của lạc. Một gia vị không thể thiếu của món bánh chè lam đó là gừng, phải chọn những củ gừng già để độ cay và thơm đạt chuẩn nhất. Gừng được rửa sạch, cạo bỏ vỏ, sau đó cho vào máy nghiền nhỏ, đổ vào nước mật đun cho tới độ sánh như chè là được.

Đây cũng chính là bí quyết của những gia đình có tuổi nghề lâu năm - “có mật mới bật ra chè” như lời một người thợ làm bánh lâu năm kể. Mía dùng để kéo mật phải là mía de, loại mía nhỏ nhưng rất thơm, lại có vị ngọt đậm. Mạch nha được nấu từ mầm thóc đã chọn. Hỗn hợp vàng óng, thơm lừng mùi gừng quyện mật, thêm bột áo mịn tạo thành vị ngon, bắt mắt khó tả. Nhưng có lẽ cái ngon của chè lam còn ở chỗ tất cả nguyên liệu đều là những nông sản của nhà nông, không sử dụng bất cứ chất phụ gia hay chất bảo quản nào.

Chè lam được đổ ra những chiếc khay đã được trải sẵn một lớp bột áo dày. Chờ đến khi chè nguội hẳn, dùng dao thật sắc cắt ra thành từng thanh nhỏ để đóng gói. Người thợ khéo léo xoa chè lam trong lớp bột áo để những miếng bánh không dính lại với nhau. Bánh chè lam có vị ngọt dịu và hương thơm giản dị nhưng lại vô cùng đặc biệt.

Đến Đền Hùng vãn cảnh, dâng hương, trong những phút ngơi nghỉ, thưởng thức chút bánh chè lam kèm ly trà đá mùa nắng hay tách trà nóng mùa lạnh đều thú vị./.

Nguyễn Hà

Chia sẻ bài viết