Tiếng Việt | English

28/03/2023 - 14:54

Đến năm 2025 thu nhập từ trồng rừng sản xuất của Cà Mau tăng 1,5 lần

Đến năm 2025, diện tích rừng trồng sản xuất thâm canh đạt 25.000 ha, thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập từ trồng rừng sản xuất tăng 1,5 lần.

Kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Cà Mau hướng tới duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 18%; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 5%/năm, năng suất rừng trồng đạt bình quân 30m3/ha/năm.


Tỉnh Cà Mau có hơn 94.000 ha rừng.

Mục tiêu của chương trình nhằm quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có; Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển và hải đảo.

Bên cạnh đó, phát triển diện tích rừng trồng sản xuất thâm canh đạt 25.000 ha, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Tổng mức vốn đầu tư dự kiến cho kế hoạch hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 220 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 144 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 76 tỷ đồng; còn lại là các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tỉnh Cà Mau có tổng diện tích rừng hơn 94.000 ha. Trong đó, chủ yếu là rừng ngập mặn (rừng đước) tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân và rừng ngập lợ (rừng tràm) tập trung ở huyện U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết