Chợ tự phát ở khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức còn lấn át cả chợ quy hoạch Thuận Đạo Ảnh: Lê Đức
Hệ lụy từ chợ tự phát
Những năm qua và cả hiện nay, nhiều chợ tự phát vẫn “hiên ngang” tồn tại bên các trục đường. Cụ thể, huyện Đức Hòa có chợ trước cổng Cty Shilla Bags ở xã Đức Lập Hạ; chợ trước cổng Cty TNHH ChuTex Long An ở xã Đức Lập Thượng. Còn huyện Bến Lức có chợ trước Cty TNHH SX-TM Hù Kiệt ở xã Lương Hòa; chợ ở Khu công nghiệp Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức; chợ trước Cty TNHH Đế Vương, xã Mỹ Yên;... Ngoài ra, ở các huyện khác như Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An cũng tồn tại nhiều chợ tự phát khác.
Mất trật tự, an toàn giao thông tại chợ tự phát trước Cty Hù Kiệt, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, sát với Đường tỉnh 830
Cứ vào mỗi buổi chiều, ở các chợ tự phát lại tấp nập người mua, kẻ bán, trong đó, chợ nhỏ có vài chục tiểu thương, chợ lớn cũng đến cả trăm người buôn bán. Các mặt hàng thì đủ thứ, từ trái cây, quần áo, rổ rá, các thực phẩm chín, tươi sống, rau củ quả,...
Chị Nguyễn Thị Duyên, công nhân Cty TNHH SX-TM Hù Kiệt cho biết: “Hết giờ làm, tôi ghé chợ tự phát ngay trước cổng Cty để mua hàng mà chẳng phải đi đâu xa. Ghé chợ này thì không phải mất tiền gửi xe, ngồi trên xe vẫn có thể mua hàng được. Hơn nữa, hàng hóa ở đây lại thường rẻ hơn ở các chợ lớn”.
Rác trước chợ tự phát ở khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức
Về khách quan, không thể phủ nhận, chợ tự phát đã góp phần đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân, nhất là nhu cầu mua sắm của công nhân, bởi sự tiện lợi như chị Duyên đã trình bày. Tuy nhiên, chợ tự phát cũng cho thấy nhiều hệ lụy. Chị Lê Thị Năm, nhà ở gần chợ tự phát trước Cty TNHH Đế Vương, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức cho biết: “Chợ tự phát này nằm cạnh Quốc lộ 1 nên nhiều năm qua, cứ mỗi buổi chiều khi chợ họp, người mua, người bán góp phần gây mất trật tự, an toàn giao thông. Ở đây đã xảy ra một số vụ va quẹt giao thông”.
Không chỉ vậy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ tự phát cũng đáng lo ngại. Qua quan sát của chúng tôi, một số chợ tự phát thường có nhiều rác do người bán, người mua vứt lại bừa bãi. Còn việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dường như bị bỏ ngỏ.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, công nhân Cty TNHH nhựa Tân Liên Hương đóng ở xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa cho biết: “Biết rằng chất lượng sản phẩm ở chợ tự phát không được bảo đảm nhưng để đỡ mất thời gian, tôi hay mua hàng ở đó. Khi mua thực phẩm, tôi rất cẩn trọng khi lựa chọn”.
Chợ tự phát còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và làm ảnh hưởng đến các chợ được quy hoạch. Có nơi, chợ được quy hoạch còn bị chợ tự phát lấn át. Ví dụ, năm 2009, chợ Thuận Đạo ở khu phố 8, thị trấn Bến Lức, do Cty TNHH Kiến Thành đầu tư xây dựng đi vào hoạt động, nhưng do chợ tự phát “ép” chợ Thuận Đạo không thu hút được tiểu thương, hiện mới có 120/330 sạp hàng có người vào đăng ký buôn bán.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bến Lức - Đinh Văn Ba, địa phương đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt các hộ buôn bán họp chợ trái phép ở khu vực chợ Thuận Đạo nhưng không thể giải quyết dứt điểm, nên thời gian qua đành để chợ tự phát tồn tại phục vụ nhu cầu của công nhân. “Việc xóa chợ tự phát này rất khó khăn, gian nan. Trong quá trình kiểm tra, xử lý chợ tự phát, có lúc lực lượng kiểm tra còn bị người bán hàng ở đó chống đối và buông những lời lẽ rất khiếm nhã” - ông Ba cho biết thêm.
Khó như xử lý chợ tự phát
Chợ tự phát từng trở thành đề tài để người dân phản ánh với các đại biểu trong tiếp xúc cử tri từ cấp xã, huyện đến tỉnh. Cũng không ít lần, câu chuyện chợ tự phát được đưa lên “nghị trường” bàn cách xóa bỏ. Hay trong tháng 6-2012, UBND tỉnh từng ban hành Chỉ thị 09 về việc tăng cường xử lý các chợ tự phát trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát thời điểm đó, toàn tỉnh có 41 chợ tự phát. Từ chỉ thị này, tình trạng xử lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” ở các địa phương đã được chấn chỉnh đáng kể. Các ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn đến xử lý, giải quyết các chợ tự phát.
Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Út cho biết: “Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý cũng như lập lại trật tự tại các chợ tự phát nhưng việc giải tán các chợ này gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do thói quen, tập quán của người mua và hơn nữa, ở các khu, cụm công nghiệp cũng không có các trung tâm thương mại để công nhân mua hàng”.Qua đánh giá của Sở Công Thương, sau thời gian thực hiện Chỉ thị 09 của UBND tỉnh, một số chợ tự phát đã được xóa, nhưng ngược lại, cũng có thêm những chợ tự phát mới được hình thành. Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương - Phạm Văn Minh nhìn nhận: “Việc xử lý xóa bỏ và không để tái diễn chợ tự phát phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của xã, phường, thị trấn và huyện. Ngoài việc tuyên truyền, vận động thì phải tăng cường tuần tra xử lý, xử phạt,... để răn đe. Nhưng thực tế, việc này rất khó giải quyết trong thời gian ngắn mà cần có lộ trình lâu dài. Hơn nữa, kinh phí để cho lực lượng làm nhiệm vụ còn hạn chế”.
Theo thống kê, đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 32 chợ tự phát. Trong đó, Đức Hòa 8 chợ, Bến Lức 5 chợ, Cần Giuộc 6 chợ, Cần Đước 8 chợ, Thủ Thừa 1 chợ, TP.Tân An 4 chợ. Ngày 26-1-2015, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 298/QĐ-UBND về kế hoạch xử lý chợ tự phát trên địa bàn tỉnh năm 2015-2016.“Theo kế hoạch này, trong số chợ phát đang tồn tại, sẽ xóa bỏ 13 chợ, còn 19 chợ tạm thời cho tồn tại để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đa số là công nhân. Nhưng với những chợ tạm thời cho tồn tại này, địa phương phải tăng cường lực lượng kiểm tra ổn định trật tự, an toàn giao thông. Về lâu dài, các ngành sẽ rà soát và quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn để chọn vị trí phù hợp xây dựng chợ thay thế chợ tự phát, nhằm đáp ứng nhu cầu mua, bán của người dân, công nhân” - ông Phạm Văn Minh cho biết thêm./.
Lê Đức