Tiếng Việt | English

05/01/2024 - 09:00

Điều chỉnh lộ trình tăng học phí: Giảm bớt khó khăn cho người dân

Nghị định 97/2023 về điều chỉnh mức tăng, lộ trình tăng học phí vừa được Chính phủ ban hành đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, phần nào tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí. Theo đó, giữ nguyên mức học phí năm học 2023-2024 đối với bậc mầm non và phổ thông như năm học 2021-2022. Các trường đại học (ĐH) tăng học phí nhưng lùi một năm sau ba năm không tăng.

Tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay mặc dù đại dịch COVID-19 đã qua nhưng nhiều người vẫn gặp khó khăn. Nếu học phí tăng theo Nghị định 81, các gia đình đông con đã khó càng thêm khó.

“Nghị định 97 giữ ổn định mức học phí mầm non, phổ thông năm học 2023-2024 như năm học trước sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho người dân, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục” - ông Ngai nhìn nhận, đồng thời nói hiện nhiều tỉnh, thành đã có chính sách miễn, giảm học phí bậc THCS. Nên chăng Chính phủ có thể nghiên cứu và định hướng để các địa phương còn lại thực hiện theo.


Điều chỉnh lộ trình tăng học phí sẽ giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TP.HCM) trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM), cũng cho rằng Nghị định 97 thể hiện tính nhân văn rất rõ khi trước mắt là ổn định, về lâu dài mới tính toán mức học phí sao cho hợp lý.

“Tăng học phí bậc ĐH nên cân nhắc kỹ, tránh tình trạng sinh viên (SV) không thể theo học do gánh nặng kinh tế. Các trường ĐH nên có chính sách khuyến học, khuyến tài hỗ trợ người học. Cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần có chính sách miễn học phí cho con em những người làm trong ngành giáo dục để tạo động lực, giúp giáo viên yên tâm cống hiến” - ông Phú đề xuất.

Hiện nhiều quốc gia trong khu vực đã miễn tiền ăn trưa cho học sinh, như Thái Lan chẳng hạn. Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học học hai buổi/ngày, tôi mong trong tương lai gần các em sẽ được Nhà nước chăm lo bữa ăn bán trú.

Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM

Còn ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ từ lâu Chính phủ đã yêu cầu phải phổ cập mầm non, phổ thông. “Phổ cập nghĩa là ai cũng được học. Hiện bậc tiểu học đã được miễn học phí, hy vọng thời gian tới bậc THCS và sau đó là bậc THPT cũng sẽ được miễn học phí” - ông Điệp bày tỏ.

Tính toán xây dựng lại mức học phí

Hầu hết các trường ĐH đã tạm thu học phí cho năm học này. Đơn cử, học phí Trường ĐH Luật TP.HCM ở mức 18-24,75 triệu đồng/học kỳ cho SV khóa tuyển sinh năm 2023 tùy ngành và chương trình đào tạo.

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết việc không tăng học phí ở năm học trước đã ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch, nhiệm vụ của trường. Đầu năm học này, trường vẫn tạm thu theo mức cũ vì còn chờ chủ trương chung.

“Trường đang tính toán lại để xây dựng mức học phí mới phù hợp với quy định, sau đó sẽ thông qua Hội đồng trường rồi mới thông báo chính thức đến người học. Bên cạnh đó, hằng năm trường đều có nhiều chính sách học bổng từ các nguồn để hỗ trợ SV, giúp các em giảm gánh nặng chi phí học tập” - ông Sơn nói, đồng thời cho hay trường ủng hộ chủ trương của Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn với người học.

PGS-TS Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhấn mạnh trường rất đồng thuận với các nội dung của Nghị định 97. “Trong bối cảnh hiện nay, không thể có phương án tốt nhất mà chỉ có phương án phù hợp nhất, trường có thể hạn chế chi tiêu khi nguồn thu giảm. Đây là trách nhiệm của cơ sở giáo dục công lập với người học, với xã hội” - ông Đạt bày tỏ.

Ông Đạt cũng cho biết khi xây dựng mức học phí, trường đã chủ động có những phương án về việc tăng hay không tăng học phí theo lộ trình và sẽ tác động ra sao. Ngay khi Nghị định 97 được ban hành, trường đã họp để tính toán, cân đối thu chi, có kế hoạch xây dựng lại mức học phí phù hợp nhất cho người học. Sự điều chỉnh chủ yếu ở các khóa chưa tự chủ.

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), thẳng thắn: “Trường thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2022, nguồn thu chủ yếu từ học phí (khoảng 80% tổng nguồn thu). Việc không tăng học phí trong ba năm qua khiến trường gặp khó khăn trong đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, nhất là giữ chân giảng viên giỏi”.

Theo bà Lan, trường vẫn sẽ thực hiện các chính sách học bổng, miễn, giảm học phí, khuyến học - khuyến tài… với SV. Đồng thời, trường cũng đang làm việc với các ngân hàng để xây dựng chính sách hỗ trợ SV vay ưu đãi nhằm chi trả học phí với lãi suất bằng 0.

Theo Nghị định 97/2023, học phí dù tăng không nhiều nhưng phần nào giúp các trường chuyên nghiệp, trường ĐH giải quyết một số khó khăn. Thực tế nhiều năm qua, học phí thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục do các trường thiếu kinh phí tuyển dụng người tài, thiếu tiền đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, học phí tăng cũng đặt ra nhiều thách thức. Với người học, đó là gánh nặng tài chính. Với các trường, đó là phải nâng cao chất lượng giáo dục để xứng đáng với chi phí người học bỏ ra. Do đó, các trường cần tập trung đảm bảo chất lượng từ bên trong, hạn chế hội họp khoa trương hình thức bên ngoài.

Hiện mức tăng học phí chưa nhiều, các trường trong điều kiện “thắt lưng buộc bụng” cần xem xét vấn đề nào nên thực hiện trước, tập trung nâng cao chất lượng, minh bạch về tài chính. Đặc biệt, phải tránh “bóc ngắn cắn dài” để đến cuối nhiệm kỳ lãnh đạo thì vốn liếng không còn cho hoạt động của nhiệm kỳ sau.

TS HOÀNG NGỌC VINH,
nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT

 

Chia sẻ bài viết