Sau hai năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp cho thấy, chuỗi liên kết trong trồng rừng, khai thác, chế biến, xuất khẩu gỗ đã đạt được một số kết quả bước đầu theo hướng tích cực. Theo đó, việc thực thi kế hoạch mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng chính sách về phát triển rừng sẽ giúp nguồn nguyên liệu gỗ trong nước dồi dào, từng bước xây dựng, quảng bá thương hiệu “Việt Nam là nhà máy sản xuất đồ gỗ cho thế giới bằng nguồn gỗ hợp pháp”.
Đây cũng là kỳ vọng của các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh Việt Nam và EU chuẩn bị ký kết “Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và Thương mại Lâm sản” (VPA/FLEGT) dự kiến vào cuối năm nay.
Xây dựng, thực thi các chính sách
Giá trị đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam tăng theo từng năm. Nếu như giai đoạn 2010- 2012 giá trị tăng bình quân hơn 3 tỉ USD, thì giai đoạn từ năm 2013 đến hết 6 tháng đầu năm nay đạt 6,267 tỉ USD (tăng gấp 2 lần). Riêng năm 2015 ước đạt 7 - 7,2 tỉ USD xuất khẩu đồ gỗ. Con số này cho thấy sức hấp dẫn của đồ gỗ Việt Nam đối với thị trường thế giới ngày càng tăng, lượng khách hàng và thị trường truyền thống được giữ vững.
DN xuất khẩu gỗ kỳ vọng vào đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, sắp tới ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục các kế hoạch đa dạng hóa thị trường. Trước hết là việc xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm thích ứng với yêu cầu mới về nguồn gốc gỗ của EU và Hoa Kỳ; Xây dựng Đề án gia nhập Tổ chức gỗ nhiệt đới quốc tế ITTO. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tiến hành đàm phán và chuẩn bị ký kết với EU về “Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và Thương mại Lâm sản” (VPA/FLEGT)
Trong chính sách phát triển rừng, Bộ NN& PTNT sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc. Cùng với Nghị định của Chính phủ, Bộ cũng sẽ tham mưu Thủ tướng phê duyệt “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016- 2010”, đồng thời hướng dẫn các địa phương có cơ chế khuyến khích DN đầu tư liên kết với người dân trong sản xuất lâm nghiệp.
Sau hai năm tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, nhận thức của người trồng rừng và DN chế biến, kinh doanh lâm sản cũng đang thay đổi tích cực. Theo Vụ phát triển rừng - TCLN, hàng ngàn chủ rừng tại 16 tỉnh thuộc 4 vùng là Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã triển khai trồng gần 2000 hecta chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn, hiện tổng diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn của cả nước lên 157.119 hecta.
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp đã giảm dần tỉ lệ chế biến xuất khẩu dăm gỗ sang chế biến đồ gỗ xuất khẩu là chủ yếu. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2015, mặc dù sản lượng gỗ khai thác tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng lượng dăm gỗ xuất khẩu giảm khoảng 15%. Một số tỉnh trọng điểm xuất khẩu dăm gỗ như Bình Định đã ban hành kế hoạch ngừng sản xuất dăm gỗ xuất khẩu từ năm 2015 nhằm tạo nguyên liệu gỗ lớn cho sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Theo kế hoạch, TCLN sẽ phối hợp với các Hiệp hội gỗ và lâm sản xây dựng các chương trình, đề án nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ liên kết với các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trồng rừng để phát triển vùng nguyên liệu gỗ ổn định, đáp ứng nhu cầu theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Một Đề án về gắn kết các doanh nghiệp cũng sẽ được triển khai nhằm tạo khu vực chế biến gỗ tập trung như mô hình khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung tại Bình Dương, bao gồm cả khu công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho chế biến gỗ. Mặt khác, để thực hiện các biện pháp điều hành của nhà nước, thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu và chỉ đạo điều hành, Bộ NN&PTNT cũng sẽ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa lâm sản của Việt Nam.
Không dừng lại ở các thị trường xuất khẩu gỗ lớn hiện nay như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Úc, EU…, ngành Lâm nghiệp sẽ chủ động mở cửa thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tháo gỡ hàng rào cản kỹ thuật và ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường quốc tế.
Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, ngành Lâm nghiệp sẽ hỗ trợ các Hiệp hội gỗ và Lâm sản như Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội gỗ Bình Định, Bình Dương thí điểm mô hình liên kết các DN có cùng lợi ích để giúp DN giảm chi phí đầu tư, sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, có khả năng sản xuất các đơn hàng xuất khẩu lớn.
Phó Tổng cục trưởng TCLN Nguyễn Bá Ngãi cho biết: Sắp tới, Tổng cục sẽ phối hợp tổ chức 2 hội thảo chuyên đề về các biện pháp thúc đẩy thị trường nội địa và hệ thống xác minh gỗ hợp pháp VN đáp ứng các thị trường XK tại hội chợ đồ gỗ VIFA Home Sài Gòn tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8/2015, VIFA Fair tại TP Hồ Chí Minh vào đầu năm 2016. Cũng trong năm 2016 sẽ tổ chức một “Hội chợ gỗ” tại Việt Nam với các nước trong vùng gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Malaysia nhằm cung cấp thông tin về quy định gỗ hợp pháp của các quốc gia trên và kết nối các hiệp hội, DN nhập khẩu gỗ VN với các quốc gia xuất khẩu gỗ trong vùng để tránh rủi ro cho các DN VN mua phải gỗ bất hợp pháp.
Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước sẽ dồi dào
Thực tế thời gian qua, nhiều DN mua gỗ rừng sản xuất trong nước thông qua các đại lý, thương lái hoặc các công ty đối tác với tỉ trọng bằng hoặc nhiều hơn số lượng gỗ nhập khẩu. Theo ông Dương Phú Minh Hoàng, GĐ Công ty CP Cẩm Hà, - DN Top 5 trong ngành chế biến gỗ với 5 nhà máy và 1000 công nhân ở KCN Điện Ngọc, Điện Bàn (Quảng Nam). “Với 70% hàng hóa đồ gỗ xuất khẩu sang EU, kim ngạch 2014 đạt khoảng 10 triệu USD, Cty Cẩm Hà mua gỗ trong nước khoảng 50%, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung từ 20 ngàn - 25 ngàn m3 gỗ/ năm”, ông Hoàng nói.
Ông Huỳnh Trinh- Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng- DN xuất khẩu gần 3 triệu USD/ năm, trong đó 70% sang EU, cho hay: “Chúng tôi mua 100% gỗ nguyên liệu trong nước, trong đó các DN, đại lý cung ứng cam kết tất cả gỗ phải đảm bảo hợp pháp”.
Nhiều DN chế biến, xuất khẩu gỗ cho rằng, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước hiện nay tuy chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, nhưng tương đối ổn định về giá so với gỗ nhập khẩu. Điều quan trọng là nguồn gỗ trong nước đảm bảo đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định và các thủ tục xác minh cũng đơn giản hơn so với trước đây.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA)- Huỳnh Văn Hạnh, khẳng định: “Việt Nam là một quốc gia sản xuất đồ gỗ từ nguồn gỗ hợp pháp. Nguồn thứ nhất hàng năm khai thác được khoảng 16 triệu m3 từ rừng trồng. Nguồn thứ hai là cây cao su hiện có khoảng 1 triệu ha, chu kì khai thác là 25 năm, cung cấp cho ngành chế biến gỗ khoảng 2,5 triệu m3. Ngoài ra các loại cây ăn trái, cây trồng trong vườn lấy bóng mát mỗi năm ước tính sẽ cung cấp khoảng 2 triệu m3”.
Theo thống kê của TCLN, trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước trồng được 226.000 ha, trong đó rừng sản xuất khoảng 196.000 ha (chiếm 86,7%). Dự báo đến năm 2020, cả nước có khoảng 16,2 đến 16,5 triệu hecta rừng, trong đó khoảng 50% là rừng sản xuất. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào rất quan trọng cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu, dự báo đạt 5 triệu m3 sản phẩm vào năm 2020.
Về tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEG, ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết, các bên đang tiếp tục hoàn chỉnh các phụ lục của Hiệp định được hai bên thống nhất, tổ chức các phiên họp kỹ thuật và phiên đàm phán cấp trưởng đoàn để thống nhất các nội dung còn lại tiến tới ký kết; đã tổ chức tham vấn quốc gia về Hiệp định VPA; Tổ chức phiên họp cấp kỹ thuật lần thứ 8 và phiên đàm phán cấp cao lần thứ 4 tại Hà Nội./.
Ngọc Năm/VOV - Trung tâm Tin
Theo Tổng cục Lâm nghiệp