Nắm bắt cơ hội
Trong khó khăn bủa vây do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình chính trị thế giới không ổn định, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa kết nối lại hoàn toàn, không ít DN lâm vào khó khăn. Tuy nhiên, nhiều DN linh hoạt, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, theo sát diễn biến thị trường, nắm bắt từng cơ hội để duy trì, phát triển.
Công ty TNHH Le Long Việt Nam (Cty Le Long) có Văn phòng đại diện tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, và nhà máy sản xuất tại Cụm công nghiệp Đức Mỹ, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa. Lĩnh vực hoạt động chính của Cty, gồm: Thiết kế, sản xuất và cung ứng các loại sản phẩm ắc-quy chì axit, phục vụ nhu cầu sử dụng đa dạng của các thị trường. Cty thuộc Tập đoàn Kung Long Batteries, được thành lập với 100% vốn đầu tư Đài Loan.
Nhiều doanh nghiệp linh hoạt, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh để phát triển (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Le Long Việt Nam)
Phó Tổng Giám đốc Cty Le Long - Liu Hsu Chieh chia sẻ, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, Cty gián đoạn sản xuất khoảng 3 tháng, năng lực sản xuất giảm so với kế hoạch. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, sau nhiều nỗ lực và điều chỉnh chiến lược sản xuất, sản phẩm đưa ra thị trường có sự gia tăng trở lại và hầu như ít bị ảnh hưởng. 6 tháng đầu năm 2023, Cty đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa. Hiện nay, Cty đàm phán thêm 1 KH trong nước tiềm năng thuộc ngành Viễn thông. Với những hợp đồng đã ký kết và mở rộng quan hệ KH, năm 2023, Cty chắc chắn hoàn thành 100% kế hoạch đề ra, giữ vững việc làm, mức thu nhập ổn định cho gần 3.150 người lao động.
Hiện tại, Cty Le Long có 2 nhóm KH, gồm: Nhóm KH trong nước (các hãng xe như Honda Việt Nam, Kymco, VMEP; ngành Viễn thông như VNPT Vinaphone, Mobiphone, Tập đoàn điện lực Việt Nam, nhà phân phối, đại lý phân bổ từ Bắc đến Nam); nhóm KH ngoài nước ở khắp các châu lục (chiếm khoảng 75% lượng hàng của Cty). Để duy trì và phát triển tốt, Cty xây dựng quy trình sản xuất khép kín, sản phẩm được sản xuất hoàn toàn trong nhà máy và bảo đảm yêu cầu chặt chẽ về hệ thống quản lý chất lượng.
Hiện Cty áp dụng các hệ thống quản lý như ISO:9001, ISO:14001, ISO:45001; đồng thời, liên tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của công nhân và người lao động. Đặc biệt, Cty đào tạo và có đội ngũ chuyên thiết kế - nghiên cứu, phát triển độc lập, có thể đáp ứng nhu cầu chủng loại sản phẩm đa dạng của KH. Cty Le Long được xếp hạng 314 trong tốp 500 DN lớn nhất tại Việt Nam, xếp hạng 9 theo ngành nghề (sản xuất, kinh doanh thiết bị điện).
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức, DN nỗ lực duy trì và thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2023. 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Cty TNHH XNK Kim Tae Hee, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tăng trưởng 20% so cùng kỳ năm 2022. Cty chuyên sản xuất khẩu trang cao cấp KF94, N95, nước uống tinh khiết công nghệ Hàn Quốc và xuất, nhập khẩu một số đặc sản chất lượng cao từ Hàn Quốc.
Theo Giám đốc Cty TNHH XNK Kim Tae Hee - Nguyễn Quốc Tuấn, thị trường đang khởi sắc trở lại nhờ chính sách đúng đắn, kịp thời và nhất quán của Chính phủ trong chỉ đạo triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại với hình thức đa dạng kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Cũng nhờ các chính sách này, Cty tham gia nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm, giao thương với đối tác trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần giúp Cty phát triển thị trường nội địa, xuất khẩu hàng hóa. Dự kiến doanh thu của Cty trong năm 2023 tăng trưởng 20%.
Nỗ lực vượt khó
Cty TNHH San Hà chuyên ngành giết mổ gia cầm, phân phối ra thị trường, kinh doanh cửa hàng tiện ích và chăn nuôi gà công nghệ cao. Tổng Giám đốc Cty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà cho rằng, ngành chăn nuôi phải đối mặt với không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa kể những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi tăng cao nhưng giá sản phẩm trên thị trường bấp bênh. Hiện nay, do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, sức mua thực phẩm trong nước vẫn còn hạn chế và thực phẩm nhập khẩu ngày càng gia tăng. Vì vậy, San Hà cũng không tránh khỏi khó khăn chung của ngành.
Các doanh nghiệp đang tập trung đẩy lùi khó khăn, mạnh dạn đầu tư thiết bị, con người, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh
Tuy nhiên, San Hà đã tìm nhiều phương án sản xuất, kinh doanh, xoay sở nguồn lực từ mọi phía để vượt qua khó khăn. Hiện tình hình Cty ổn định lại, tập trung trí lực đẩy lùi khó khăn, nắm bắt thời cơ, đổi mới nhận thức, chấn chỉnh tổ chức, mạnh dạn đầu tư thiết bị, con người, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài sản phẩm chủ lực là các loại thịt gia cầm, Cty còn tập trung đa dạng sản phẩm, đẩy mạnh lĩnh vực chế biến thực phẩm các loại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, Cty đã vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ, Cty đang phối hợp một số DN nhỏ tích cực tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng để cho ra một vài sản phẩm, hình thức kinh doanh mới trong những tháng cuối năm 2023. Cty không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ KH và hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh trong năm 2023.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Long An - Lê Thị Mỹ Hiền cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, NHNN chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, chia sẻ những kết quả đã đạt trong hoạt động hỗ trợ DN và người dân. Chi nhánh chỉ đạo các NH triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với KH. Chi nhánh tiếp tục yêu cầu các NH thương mại đẩy mạnh chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN. Lũy kế từ đầu chương trình đến ngày 30/6/2023 là 2.148 tỉ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là 785 tỉ đồng, 24 KH có số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 10 tỉ đồng.
Nhiều doanh nghiệp linh hoạt, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh để phát triển
6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,43%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng định hướng, các chỉ tiêu chủ yếu đạt khá. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 146.158 tỉ đồng, tăng 3,82% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 144.906 tỉ đồng, tăng 3,8%.
Dự kiến năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, tỉnh nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự báo những tháng cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần qua các tháng, trong đó, hoạt động sản xuất của các DN đang bước vào giai đoạn ổn định. Lãi suất cho vay đã và đang được Nhà nước điều chỉnh nhằm tích cực hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.
Thông tin từ Sở Công Thương, ngành chức năng tỉnh tăng cường khảo sát thực tế các DN lớn, có hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hoạt động hỗ trợ DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm khai thác, tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các cấp, các ngành trong phục hồi, phát triển KT-XH, kỳ vọng cộng đồng DN sẽ giảm bớt khó khăn, chủ động trong sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh./.
Mai Hương