Lượng gạo tồn kho trong doanh nghiệp hiện khá lớn, trên 160.000 tấn
Sẵn sàng cung ứng tăng nhiều hơn 50%
Sở Công Thương Long An vừa có buổi làm việc với một số sở ngành, doanh nghiệp kinh doanh, thương mại chủ lực trên địa bàn tỉnh về xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung, ứng phó diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19. Tại buổi làm việc, các kịch bản ứng phó khi diễn biến dịch bệnh xảy ra phức tạp hơn được xây dựng, lên phương án để cung ứng hàng hóa tốt nhất cho người dân.
Doanh nghiệp tại Long An dự trữ trên 3,3 triệu gói mì các loại
Thời điểm này, hàng hóa dự trữ của doanh nghiệp đạt trên 750 tỉ đồng, đủ sức đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như tổ chức trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Hàng hóa dự trữ của doanh nghiệp có số lượng lớn và rất đa dạng gồm trên 160.000 tấn gạo, 3,3 triệu gói mì, 24 tấn rau củ quả, 74 tấn thịt heo, 153 tấn thịt gà, 11 triệu quả trứng, 176.000 lít dầu ăn, gần 7 triệu lít xăng - dầu, 93.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn, gần 250.000 lít nước uống đóng chai,...
Hàng hóa tích trữ của doanh nghiệp hiện khá dồi dào
Theo Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức, qua buổi làm việc, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại phân phối hàng hóa, thương mại bán lẻ đã chuẩn bị nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu khá đầy đủ. Riêng các đơn vị tham gia bình ổn thị vẫn tham gia bình thường, cung ứng đầy đủ hàng hóa. Mức hàng hóa mà các doanh nghiệp bình ổn chuẩn bị phục vụ dịch bệnh vượt 50% so với ngày thường, sẵn sàng cung ứng kịp thời đến các hệ thống phân phối.
Các doanh nghiệp cũng cam kết chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng hơn 50% đến 100% trong tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Hàng hóa sẽ được chuyên chở đến tận nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới để phục vụ kịp thời cho người dân.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ, hiện tại, San Hà đang tập trung nguồn lực để phục vụ nhu cầu mua hàng hóa của người dân. Nguồn hàng dự trữ đến thời điểm này hơn 20 tỉ đồng gồm gạo, thịt heo, thịt gà, thủy hải sản, mì gói, khẩu trang kháng khuẩn,...
Ưu điểm lớn của San Hà là có mạng lưới phân phối hàng hóa lớn, có kinh nghiệm trong vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, San Hà còn có khoảng 100 xe tải các loại và có thể đáp ứng nhanh yêu cầu phân phối hàng hóa khi Sở Công Thương yêu cầu, kể các các huyện biên giới của tỉnh. Trên 1 chuyến xe, bảo đảm có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu từ tươi sống như thịt heo, thịt gà, mì gói, nước chấm, rau củ quả,...
Ngoài San Hà, Công ty Cổ phần Thương mại và xuất nhập khẩu Long An cũng chuẩn bị nguồn hàng khá lớn như mì gói, dầu ăn, nước uống đóng chai, giấy vệ sinh, xăng, dầu,... trên 20 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa chuẩn bị nguồn hàng gần 20 tỉ; Co.op mart Tân An và nhiều đơn vị khác.
Sẵn sàng cho mọi tình huống
Theo ông Lê Minh Đức, ngoài việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm, nhu cầu về giường xếp khá lớn để phục vụ người dân.
Vấn đề này, Công ty TNHH Đầu tư Duy Phương (huyện Đức Hòa) cho hay, bình quân công ty duy trì lượng hàng tồn kho khá lớn, trong đó khoảng 500 giường xếp, võng vài chục ngàn chiếc. Bình quân, mỗi ngày công ty có thể sản xuất ra 500 chiếc giường xếp. Tuy nhiên, khi người dân Long An có nhu cầu ở những nơi tập trung, công ty sẽ nỗ lực thực hiện để đáp ứng nhanh và có xe đưa đến nơi cần.
Ngoài ra, trong khu cách ly, mặt hàng khẩu trang cũng rất cần thiết. Thuận lợi lớn của Long An là có nhiều đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn. Tất cả doanh nghiệp đều cam kết sẵn sàng đáp ứng cho mọi tình huống khi Long An yêu cầu với tiêu chí nhanh chóng và chất lượng.
Nguồn hàng hóa dự trữ hiện khá nhiều, không xảy ra tình trạng khan hiếm
Đại diện hệ thống Saigon Co.op, Giám đốc Co.opmart Tân An - Nguyễn Thị Hoàng Anh chia sẻ, hiện tại, Saigon Co.op đã xây dựng kế hoạch đặt hàng dự trữ về các kho trung tâm của hệ thống; đàm phán ký thỏa thuận dự trữ hàng tại kho các nhà cung cấp, dự trữ tại kho các siêu thị để kịp thời cung ứng hàng, đồng thời có kế hoạch dự trữ riêng cho từng siêu thị thuộc vùng dịch.
Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết, hiện tại, ngành Công Thương hoàn toàn chủ động, có thể cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, gây tăng giá hàng hóa, làm rối loạn thị trường. Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên, không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Đồng thời phối hợp UBND các địa phương, ban quản lý các chợ tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, không để phát tán tin đồn thất thiệt, phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi trong thời điểm xảy ra dịch bệnh./.
Mai Hương