Tiếng Việt | English

18/10/2015 - 19:31

Doanh nhân Hà Thúy Linh: Chuyển ngang làm... nông dân và đeo đuổi sự nghiệp trà Ô Long suốt đời

Suốt hơn nửa tháng qua, ở Đà Lạt và nhiều nơi khác trong tỉnh Lâm Đồng, đi đâu cũng nghe mọi người bàn tán về cái chết của nữ doanh nhân trẻ đẹp và có tài Hà Thúy Linh. Nhiều người nói rằng khi nào viết về lịch sử cây chè Lâm Đồng, ở phần viết về trà Ô Long, thì nhân vật đầu tiên cần được nhắc đến là nữ doanh nhân Hà Thúy Linh. Quả thật, cả chặng đường dài từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, nữ doanh nhân Hà Thúy Linh đã góp phần rất lớn vào việc làm nên thương hiệu trà Ô Long Lâm Đồng - trà Ô Long Việt Nam.


Trồng trà tại nhà máy của Công ty Hà Linh.

 

Từ bỏ mọi thứ để thực hiện ước mơ Ô Long

Khi chúng tôi hay tin có một nhóm người Đài Loan sang vùng chè Cầu Đất tiến hành trồng thử nghiệm các giống chè mới đưa từ Đài Loan sang để sản xuất chè cao cấp Ô Long, chúng tôi tức tốc lên đường tìm hiểu.

Nhóm doanh nhân Đài Loan ấy đã lập ra Công ty Fusheng có trụ sở ngay tại vùng chè Cầu Đất nổi tiếng của Đà Lạt. Xin được nói thêm, những năm ấy, vùng chè Cầu Đất nổi tiếng nhờ tiếng tăm của Sở trà Cầu Đất được người Pháp lập nên hồi năm 1927; còn về trà Ô Long thì hầu như không một người dân hay công nhân sở trà biết đến, việc trồng và chăm sóc nó càng không biết. Cuối những năm 90 đó, suốt mấy năm cặm cụi trồng trỉa, chăm bón, đo đo tính tính..., thất bại không ít nhưng cuối cùng, thành công lớn nhất của nhóm thương nhân Đài Loan này là họ đã chế biến ra thứ trà cao cấp gọi là “Ô Long” (con rồng đen) mà lúc ấy hầu như chỉ có ở một vài quốc gia có truyền thống ngành chè như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản... Với riêng Việt Nam, mặc dầu trà và văn hóa trà đã có từ lâu trong lịch sử nhưng khái niệm “Ô Long” dường như còn rất xa lạ với nhiều người.

Tìm hiểu vấn đề một cách kỹ hơn, chúng tôi thật bất ngờ khi mọi việc được thực hiện dưới sự “chỉ vẽ”, “bày trò” của cô gái thông dịch viên mảnh mai xinh đẹp Hà Thúy Linh. Thì ra, sau khi lấy chồng và sang sống bên Đài Loan được một thời gian, Linh đã cất công tìm hiểu các loại trà cao cấp của Đài Loan như Ô Long, Tứ Quý, Kim Tuyên, Thúy Ngọc... rồi cả công nghệ chế biến, rồi sau đó “rủ” chồng về Việt Nam làm trà Ô Long; và vùng đất mà Hà Thúy Linh đã chọn (từ trước khi lấy chồng) là Cầu Đất - Xuân Trường của TP.Đà Lạt.

Sau khi làm ăn chung với Fusheng được vài năm, năm 2002, hai vợ chồng Hà Thúy Linh - Lin Chin Choang (Lâm Thiên Sáng) tách ra riêng và thành lập Công ty TNHH HaiYih do chồng làm GĐ và vợ là Phó GĐ. “Lúc đầu, giống như đứa con ra ở riêng vậy, đụng cái gì cũng thiếu, nên đã khó càng thêm khó”, Hà Thúy Linh từng tâm sự với chúng tôi như vậy. Tuy là Phó GĐ nhưng hầu như mọi chuyện giao dịch, đường hướng kinh doanh, kế hoạch sản xuất... của Công ty HaiYih đều đặt lên hai vai Phó GĐ Hà Thúy Linh. Thế rồi, Phó GĐ HaiYih Hà Thúy Linh đưa ra một quyết định mà ngày ấy tưởng chừng như... không tưởng (ngày ấy chưa mấy ai nói đến chuyện “liên kết 4 nhà” như bây giờ): Liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu trà Ô Long cho công ty.

Nói về lý thuyết thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực tế thì mới thấy sự liên kết ấy không phải dễ dàng tạo dựng được. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, cây chè Lâm Đồng cũng đang bước vào giai đoạn “cách mạng” là cải tạo hoặc ghép các giống mới có năng suất và chất lượng cao hơn so với giống chè hạt mà nông dân đang trồng. Như vậy, vô tình, cây chè giống ngoại Đài Loan để chế biến trà Ô Long phải cạnh tranh ngay chính trên “sân nhà” Cầu Đất với các giống chè nội của Lâm Đồng. Tuy nhiên, với sự kiên trì, bền bỉ, với việc chứng minh hiệu quả thông qua cách làm để cho ra sản phẩm cụ thể giúp nông dân mắt thấy tai nghe, cuối cùng, Phó GĐ Công ty TNHH HaiYih Hà Thúy Linh đã tạo lập được vùng chè liên kết hơn 200ha chuyên sản xuất các giống chè cao cấp dùng cho chế biến trà Ô Long như Ô Long (giống nguyên bản), Kim Xuyên, Ngọc Thúy, Thanh Tâm, Tứ Quý, Thúy Ngọc...

Và rồi, năm 2008, Hà Thúy Linh tách khỏi HaiYih để đứng ra thành lập công ty riêng lấy tên là Công ty TNHH Hà Linh chuyên sản xuất và chế biến trà Ô Long cao cấp (lúc này, mối quan hệ vợ chồng Hà Thúy Linh - Lin Chin Choang rạn nứt, ra tòa ly dị). Từ Fusheng, HaiYih đến Hà Linh, Hà Thúy Linh đã gặt hái được rất nhiều thành công; trong đó, đáng kể là việc góp phần đưa sản phẩm trà Ô Long trở thành sản phẩm trà tiêu biểu, đặc trưng và là một trong những sản phẩm thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng.

Xin được nói thêm, 1 trong 10 chiến lược phát triển mà Lâm Đồng đưa ra cho giai đoạn phát triển sắp đến là “Xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm chè của Việt Nam; thành vùng trà Ô Long có năng suất cao nhất thế giới” (trên thế giới, trà Ô Long hiện có mặt chủ yếu ở Trung Quốc (kể cả Đài Loan) và Việt Nam; trong khi, năng suất hiện nay của trà Ô Long Trung Quốc chỉ đạt bình quân 8 tấn/ha, cao nhất cũng chỉ 12 tấn/ha, nhưng hiện Lâm Đồng đã đạt năng suất trà Ô Long trung bình 18 tấn/ha, có vùng lên đến 20 tấn/ha).

Nói điều này để thấy sự đóng góp đáng ghi nhận của cá nhân nữ doanh nhân Hà Thúy Linh, từ suy nghĩ ban đầu đến khi rẽ ngang sang làm nông dân, đã tạo lập được một sản phẩm tiêu biểu Ô Long của Fusheng, của HaiYih, rồi của Hà Linh và cao hơn hết là của cả tỉnh Lâm Đồng. Và có lẽ, đây cũng chính là nguyên nhân khi có người nói rằng, nếu viết về lịch sử cây chè Lâm Đồng, phần viết về cây chè Ô Long và sản phẩm trà Ô Long phải ghi công đầu cho nữ doanh nhân Hà Thúy Linh.


Chế biến trà tại nhà máy của Công ty Hà Linh.

Thương trường như chiến trường

Nhưng, không thể không thừa nhận rằng, chuyện kinh doanh của Công ty TNHH Hà Linh không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Trong vài năm gần đây, GĐ Công ty TNHH Hà Linh đã gặp không ít khó khăn bởi sự cạnh tranh của một vài “đối thủ” có cùng vùng nguyên liệu và cùng một thị trường.

“Chị ấy thường than với tôi rằng: “Chị đi đến đâu là họ tìm cách bít đường đến đó. Chuyện dư lượng thuốc bảo vệ thực vậy khiến cho đầu ra của trà Ô Long Hà Linh đã khó càng thêm khó bởi chính các đối thủ cạnh tranh này. Nhưng, như thế không có nghĩa là hết cách...”. Nhớ lại chuyện ấy, tôi nghĩ chuyến đi Trung Quốc vừa qua của chị Linh giống như là một chuyến đi nhằm khơi thông những mạch nghẽn trong kinh doanh của công ty thời gian sắp đến...”, chị Hà Ngọc Hương - em ruột của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh - ngậm ngùi.

Chúng tôi nghe luật sư Trương Quang Quý - trợ lý pháp luật của Công ty Hà Linh - nói rằng, cái chết của bà Hà Thúy Linh có nhiều điều bí ẩn nhưng nếu cơ quan chức năng phía Trung Quốc “ra tay” một cách mạnh mẽ thì không phải là không hóa giải được. Ông ví dụ: Chuyện tìm ra “đối tác” cùng vào quán nước mà sau đó bà Hà Thúy Linh bất tỉnh không phải là chuyện quá khó. Hoặc như, để kết luận rằng đây có phải là một cái bẫy giăng sẵn cho bà Hà Thúy Linh bước vào hay không cũng là chuyện không quá khó đối với cơ quan điều tra của nước sở tại. Rồi, về phía Việt Nam, chắc chắn trong một ngày gần đây nhất, trong phạm vi cho phép của mình, cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc để góp phần làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của một công dân Việt Nam ở nước ngoài. Về phần mình, những ngày qua, luật sư Trương Quang Quý cũng đã tiến hành một vài công việc cần thiết để cung cấp cho cơ quan điều tra của Việt Nam những tư liệu xung quanh cái chết của bà Hà Thúy Linh.

Hiện tại, ngoài công việc của một luật sư trợ giúp pháp lý của công ty, luật sư Trương Quang Quý còn là người được chỉ định điều hành tạm thời mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty TNHH Hà Linh. Mấy hôm đầu, sau khi GĐ Hà Thúy Linh tử vong bên Trung Quốc, anh Nguyễn Đức Hiếu - cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Hà Linh - còn nói với chúng tôi rằng: “Những ngày qua, mặc dầu mọi người rất đau buồn khi hay tin chị Hà Thúy Linh tử vong bên Trung Quốc, nhưng tất cả các lao động của công ty từ khâu nông nghiệp, công nghiệp đến quản lý dưới sự điều hành của luật sư Trương Quang Quý đều duy trì hoạt động như mọi ngày”./.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết