An toàn thực phẩm (ATTP) là mối quan tâm của tất cả mọi người. Có nguồn thực phẩm đạt chất lượng thì sức khỏe của người tiêu dùng mới được bảo đảm, có điều kiện công tác tốt, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Tháng hành động Vì ATTP năm 2017 với chủ đề: “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” hướng tới mục tiêu giải quyết căn bản việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả; tồn dư hóa chất chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản nuôi; chất cấm trong sản xuất rượu.
Qua đó, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn; nâng cao ý thức cho nhà sản xuất, nhà kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP.
Theo tôi, không chỉ đến Tháng hành động Vì ATTP mà bất cứ lúc nào, thời điểm nào, chúng ta cũng phải chú ý, quan tâm đến công tác này.
Theo đó, bên cạnh công tác thanh, kiểm tra về ATTP, tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm (trong đó có ngộ độc rượu) và bệnh dịch truyền qua đường thực phẩm, góp phần làm tốt công tác bảo đảm ATTP, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật ATTP cho tất cả mọi người bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu nhằm nâng cao ý thức và kiến thức về ATTP cho người tiêu dùng.
Khi được trang bị kiến thức về ATTP thì người tiêu dùng sẽ “thông minh” khi lựa chọn cho mình và người thân những thực phẩm đạt chất lượng và xử lý chúng thật hiệu quả, bảo đảm sức khỏe. Đó là đối với người tiêu dùng, còn đối nhà sản xuất và nhà kinh doanh thì việc nâng cao ý thức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm đạt chất lượng là cả một quá trình, tùy thuộc vào “lương tâm” của họ.
Và tôi nghĩ, để đánh động “lương tâm” của một số nhà sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng thì ngoài việc tuyên truyền, cần có các biện pháp chế tài thật nghiêm khắc tùy theo mức độ vi phạm.
Thời gian qua, chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành mở các đợt kiểm tra không chỉ tập trung về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm lương thực, thực phẩm hay hồ sơ về chất lượng thực phẩm mà còn kiểm tra về giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, hồ sơ công bố tiêu chuẩn, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người lao động,...
Thời gian tới, các hoạt động trên tiếp tục được tăng cường và tăng cường nhiều hơn. Có như vậy thì Tháng hành động Vì ATTP năm 2017 mới thực sự được phát huy và ATTP là mục tiêu của nhà sản xuất, nhà kinh doanh và người tiêu dùng./.
Tuấn Anh