Tiếng Việt | English

12/12/2018 - 07:08

Đời sống người dân - thước đo chất lượng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương lớn, nền tảng tốt để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Ở nhiều địa phương, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội, sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất cải thiện rõ nét.

Tăng thu nhập

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Lê Văn Hoàng chia sẻ, phong trào XDNTM được tỉnh triển khai ở tất cả các địa phương với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và sáng tạo. Trong đó, tỉnh xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng trong XDNTM. Tỉnh tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của tỉnh: Lúa, thanh long, chanh, rau, bò thịt,...

Thực hiện chủ trương XDNTM, chính quyền xã Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An) tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất và thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2015, Lợi Bình Nhơn được công nhận xã NTM. Từ đó đến nay, các tiêu chí tiếp tục được nâng chất nên đời sống người dân có nhiều thay đổi, nhất là thu nhập bình quân đầu người tăng lên.

Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn - Hồ Duy Tâm thông tin: “Hiện nay, người dân trong xã tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đến 16,6 tỉ đồng (913 hộ vay tại 20 tổ). Ngoài ra, xã còn được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Từ nguồn vốn này, người dân tập trung cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, buôn bán lẻ để ổn định kinh tế. Ngoài ra, Hội Nông dân còn phối hợp các đơn vị liên quan chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nông dân áp dụng tiến bộ mới, công nghệ cao vào sản xuất, từ đó mang lại thu nhập ổn định. Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn xã đạt 52 triệu đồng/năm”. 

Để nông dân sản xuất tập trung và dễ dàng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, Lợi Bình Nhơn hình thành 1 hợp tác xã (HTX) và 5 tổ hợp tác (THT) sản xuất thanh long, rau, lúa giống, chăn nuôi bò. Anh Hồ Văn Tùng - Tổ trưởng THT Sản xuất rau, cho biết: Tổ hiện có 9 thành viên, sản xuất trên diện tích 6,2ha theo hướng VietGAP. Thời gian gần đây, nông dân được tập huấn chuyển đổi cách canh tác truyền thống, áp dụng tiến bộ mới nên giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng và thu nhập.

Anh Hồ Văn Tùng chăm sóc ruộng đậu bắp, nguồn thu nhập chính tạo kinh tế ổn định cho gia đình

Anh Hồ Văn Tùng chăm sóc ruộng đậu bắp, nguồn thu nhập chính tạo kinh tế ổn định cho gia đình

Cụ thể, với 2.000m2 đất trồng đậu bắp, anh Tùng chịu khó làm đất kỹ và bón đủ lượng phân cần thiết (không dư) nên cây cho trái sau 50 ngày trồng và có thể thu hoạch đến 4 tháng kể từ ngày cho trái. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, anh Tùng thu hoạch 150kg đậu bắp (giá 10.000 đồng/kg). Do chuẩn bị kỹ khâu làm đất, ruộng đậu bắp của anh chỉ bón lót phân 15 ngày/lần và hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Anh Tùng nói: “Trước đây, chưa am hiểu về kỹ thuật, nông dân thường bón phân dư nên cây trồng dễ phát sinh dịch bệnh, chi phí đầu vào cao mà rau không được cách ly thuốc bảo vệ thực vật. Với cách làm hiện nay, nông dân giảm chi phí nhưng sản lượng không thay đổi, rau lại bảo đảm an toàn cho người sử dụng”.

Người dân là chủ thể

Thực hiện chương trình XDNTM từ năm 2011 đến nay, Bến Lức có 5 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến đến hết năm 2018 có thêm 3 xã đạt chuẩn. Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi chia sẻ, XDNTM, kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư ngày càng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho nhân dân an tâm sản xuất. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. 
Đến nay, Bến Lức có 10 HTX trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 26 THT trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGap. Huyện đang tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại và xây dựng mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất đến tiêu thụ.

Song song phát triển kinh tế, huyện thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng công suất giường bệnh. Mạng lưới y tế tuyến xã được quan tâm, tăng cường phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong đó khai thác, sử dụng hiệu quả các phòng, khoa của Trung tâm Y tế huyện, Phòng khám khu vực Gò Đen.

Đường giao thông nông thôn ở xã Long Hiệp

Đường giao thông nông thôn ở xã Long Hiệp

Đặc biệt, phong cách phục vụ của nhân viên y tế được nâng cao, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Do Bến Lức có vị trí gần TP.HCM nên mạng lưới y tế tư nhân phát triển mạnh. Huyện hiện có 14/14 xã được công nhân đạt chuẩn quốc gia về y tế. 

Xã Long Hiệp đang gấp rút hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng và dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ về đích NTM. Bí thư Đảng ủy xã Long Hiệp - Trương Ngọc Hiển thông tin: “Trong XDNTM, xã phát huy vai trò chủ thể của người dân. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp hàng đầu. Từ đó, dân hiểu, dân tin và hưởng ứng bằng sự tham gia, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, người dân rất tích cực tham gia tất cả phong trào từ làm đường giao thông nông thôn đến các công trình phụ trợ phục vụ đời sống hàng ngày”. 

Long Hiệp hiện có 6/6 ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao. Các dịch vụ viễn thông, Internet đều đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Đặc biệt, Long Hiệp không còn nhà ở dạng tạm và dột nát, trên 91% số hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết