Tiếng Việt | English

13/06/2017 - 20:42

Đời sống tâm linh ở Trường Sa

Chúng tôi, những người con từ đất liền ra thăm Trường Sa, ai cũng ấn tượng với những ngôi chùa được xây dựng theo phong cách thuần Việt nơi đây. Dường như trong không gian yên bình của làng xã giữa trùng khơi, không có sự phân biệt giữa đạo và đời, tất cả tạo nên một nét rất riêng trong đời sống tâm linh của người dân trên đảo. Ai cũng thấy lòng mình an bình mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang...

Chùa Sơn Linh trên xã đảo Sơn Ca

Đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi chùa uy nghi, trầm mặc, tọa lạc ngay bên bờ kè chắn sóng. Xung quanh chùa là những cây phong ba, bàng vuông, mù u,... đang ra hoa, kết trái.

Cổng chùa luôn có hướng quay ra biển, hướng về đất mẹ Việt Nam. Một sự yên bình rất khó nói thành lời, cảm giác như mình vừa trở về làng sau nhiều năm xa cách. Đứng trên kè chắn sóng, phóng tầm mắt ra phía xa ngút ngàn biển rộng, mới thấy hết sự thiêng liêng trên từng tấc đảo, sải biển mà bao đời ông cha phải đổ máu xương gìn giữ.

Người dân thị trấn Trường Sa kể rằng, không biết tự bao giờ, ngay tại nơi chùa Trường Sa tọa lạc, những ngư dân Việt dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ thần, Phật. Mỗi lần ra khơi đánh cá, họ lại lên đảo thắp hương lễ Phật cầu cho trời yên, biển lặng để đánh bắt được nhiều sản vật từ biển cả.

Năm này qua năm khác, cùng với sự tín ngưỡng là sự chắt chiu, gom góp lòng thành xây dựng chùa ngày càng khang trang, to đẹp. Đến hôm nay, ngôi chùa như một minh chứng cho tâm sức, sự dày công vun đắp, gìn giữ của bao thế hệ người Việt trên mảnh đất thân yêu - Trường Sa.

Qua các làng đảo, xã đảo ở huyện đảo Trường Sa: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn,... đâu đâu chúng tôi cũng đều thấy cảnh chùa chiền hiện hữu tạo sự thanh bình đến lạ.

Điều đặc biệt là các ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa đều được xây dựng theo phong cách truyền thống. Chùa được xây dựng bằng nhiều loại gỗ quý và vật liệu tốt, chịu được độ mặn của nước biển. Trong chùa, ngoài chính điện thờ Phật còn có bàn thờ các anh hùng liệt sĩ, những thế hệ người Việt quên mình để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tất cả hoành phi, câu đối đều được viết bằng chữ Việt, ca ngợi sự trường tồn của dân tộc, tôn vinh cảnh sắc kỳ vĩ của Trường Sa: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”, hay “Mây lành che Đông Hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”,...

Đại đức Thích Tâm Tánh phát nguyện ra Trường Sa tu hành cũng bởi chữ “tâm”. Mong muốn của thầy là hành đạo ở đây để chia sẻ với phật tử, đồng bào nơi đầu sóng ngọn gió. Họ cần nghe những tiếng chuông chùa để thấy Tổ quốc luôn ở bên mình. Qua những câu chuyện thầy kể, những việc thầy làm, chúng tôi hiểu thêm về thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Thầy bảo: Từ xa xưa, người Việt chúng ta có một nét văn hóa, đó là đi đâu là lập đình chùa, miếu mạo ở đó. Họ lập đình để thờ những bậc ân nhân tiền bối hữu công; lập chùa để thờ Phật, cầu nguyện, cầu an, cầu siêu,... Chỗ nào có người Việt ở thì chỗ đó có chùa. Các ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa có từ lâu do ông bà, tổ tiên ra đây sinh sống, lập nghiệp.

Hôm nay, chúng tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm đóng góp cho quê cha đất tổ, phải có bổn phận bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của dân tộc mà ông cha bao đời gìn giữ.

Chùa Nam Huyên trên xã đảo Nam Yết

Đi chùa lễ Phật trở thành thói quen tín ngưỡng của người dân trên đảo. Mùng một, ngày rằm hàng tháng, nhiều người lại lên chùa lễ Phật, cầu cho mưa thuận, gió hòa, đất nước phồn vinh, thái hòa, gia đình an lạc. Người dân trên đảo nhờ thế mà sống đoàn kết, đầm ấm, hạnh phúc hơn, những lo toan thường nhật cũng vơi dần. Thế mới biết, tiếng chuông chùa trong đất liền rất giá trị nhưng tiếng chuông chùa nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa càng đặc biệt và giá trị gấp nhiều lần.

Chị Đặng Thị Ngân Hà, ở thị trấn Trường Sa, chia sẻ: Người dân trên đảo rất phấn khởi khi nơi đây có chùa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Trước đức Phật từ bi, ai cũng thấy lòng mình thanh thản, làm việc gì cũng thấy an tâm, thiện nguyện,...

Dân gian có câu “Đất vua, chùa làng”, từ ngàn đời nay, trong tâm thức của con dân nước Việt, ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để lương dân ngưỡng vọng, thờ phụng đức Phật từ bi, bác ái. Mỗi tiếng chuông chùa ngân lên, quân - dân huyện đảo Trường Sa lại thấy rõ hơn việc từ bi hỉ xả, tốt đời, đẹp đạo,...

Hoàng Hà

Chia sẻ bài viết