Tiếng Việt | English

10/03/2016 - 16:06

Đổi thay trên vùng đất khó

Những năm trước, Tân Bình (Tân Thạnh-Long An) là “rốn phèn”. Nhiều người đến đây lập nghiệp với nghề trồng lúa đều “trắng tay”. Năm 2010, Tổ kinh tế hợp tác trồng sen lấy ngó ở xã được thành lập. Nhiều đoàn viên, thanh niên và người dân Tân Bình được địa phương hỗ trợ vay vốn ngân hàng mở rộng diện tích trồng sen. Từ đó, đời sống người dân dần ổn định.

Thu mua ngó sen giao cho thương lái

Chị Đặng Thị Ngọc Ánh, ngụ ấp Cà Nhíp cho biết: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, tôi tham gia tổ hợp tác liên kết trồng sen lấy ngó và được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 20 triệu đồng. Tôi thu mua ngó sen của nông dân và bán cho các thương lái tại Đồng Nai. Một ngày, tôi thu mua ít nhất 100kg ngó sen, mỗi kilogam lời 1.000 đồng. Đến nay, cuộc sống của gia đình và nhiều người khác ổn định hơn trước”.

Hiện nay, tổ liên kết có 16 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 37 lao động. Hằng tháng, tổ họp định kỳ, rút kinh nghiệm và trao đổi kỹ thuật, cây giống,... Ngoài ra, tổ còn tự tạo nguồn vốn hoạt động bằng cách kêu gọi các thành viên đóng góp được trên 43 triệu đồng. Thấy trồng sen có hiệu quả, một số người dân chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen. Năm 2010, toàn xã chỉ có 10ha sen; năm 2015, có trên 160ha.

Kinh tế ổn định, người dân tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động như: Xây cầu giao thông nông thôn, sửa chữa cầu, đường, góp đất xây dựng nhiều công trình hướng đến xã nông thôn mới,...

Anh Nguyễn Ngọc Vẹn, ngụ ấp Cà Nhíp, chia sẻ: “Bình quân 1ha trồng sen, trừ chi phí, người dân có lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Vì vậy, chúng tôi rất tích cực đóng góp cho xã hội như: Góp tiền, hiến đất làm đường, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi,...”.

Vùng đất khó Tân Bình đang ngày một đổi mới. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, người dân tích cực lao động sản xuất, tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng quê hương.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết