Tiếng Việt | English

11/11/2024 - 14:08

Đồng hành chăm lo đời sống công nhân, lao động: Còn nhiều nỗi lo (Bài 1)

Những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tác động của nền kinh tế thế giới khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Long An gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến công nhân, lao động (CNLĐ) bị ảnh hưởng không nhỏ. Áp lực "cơm áo gạo tiền” vì thế vẫn là nỗi trăn trở của nhiều CNLĐ. Đồng hành chia sẻ khó khăn, tổ chức Công đoàn các cấp, DN có nhiều hoạt động chăm lo đời sống để CNLĐ cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực gắn bó với công việc.

Bài 1: Còn nhiều nỗi lo

Chi phí sinh hoạt ngày càng cao, điều kiện làm việc hạn chế, mức lương còn thấp, nhiều CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là CNLĐ xa quê, ở trọ gặp "áp lực" với nhiều nỗi lo toan. Đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ vì thế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Đời sống vật chất còn khó khăn

Cũng ước mơ được tiếp tục học hành như các bạn cùng trang lứa nhưng vì gánh nặng “cơm áo gạo tiền” nên vừa bước vào tuổi 18, chị Huỳnh Lê Kim Ý (quê tỉnh Sóc Trăng, hiện ở trọ trên địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) quyết định đi làm CN để phụ giúp gia đình, đến nay được gần 3 năm.

Hàng ngày, chị Huỳnh Lê Kim Ý tự nấu ăn ở nhà trọ để tiết kiệm chi phí

Chị Kim Ý tâm sự: “Gia đình còn nhiều khó khăn nên vừa đủ tuổi LĐ là tôi đi làm ngay. Làm việc xa nhà, xa quê, tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa thích nghi với môi trường mới trong thời gian đầu nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên cố gắng vượt qua tất cả. Đến nay, mọi thứ ổn hơn trước nhưng đời sống còn khó khăn do ít tăng ca nên thu nhập thấp. Trong khi đó, mỗi tháng, tôi phải trả 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà trọ và lo các khoản phí sinh hoạt nên tiền còn dư không được bao nhiêu. Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng tiết kiệm, ít khi đi chơi hay mua sắm lãng phí để tích cóp tiền gửi về quê cho gia đình”.

Trong dịp Lễ Quốc khánh 02/9 vừa qua, dù được nghỉ nhiều ngày nhưng chị Kim Ý không về quê thăm gia đình mà ở lại bán hàng thời vụ theo giờ để kiếm thêm thu nhập. Chị Kim Ý nói: “Quê của tôi không quá xa Long An nhưng mỗi lần về tốn kém nhiều chi phí. Trong khi đó, tôi đi làm thời vụ những ngày lễ thì được trả lương cao hơn ngày bình thường. Do vậy, cứ mỗi dịp lễ, tôi đều ở lại đi làm thêm để có tiền, cuối năm về quê đón tết với gia đình”.

Là mẹ đơn thân, chị Võ Thị Kim Hương (quê tỉnh Đồng Tháp, ở trọ trên địa bàn xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chị Kim Hương trải lòng: “Từ năm 2023, công ty nơi tôi làm việc gặp nhiều khó khăn, giảm đơn hàng nên CNLĐ bị giảm giờ làm hoặc không tăng ca dẫn đến giảm thu nhập. Năm 2024, tôi không về quê đón tết cùng gia đình bởi phải tiết kiệm tiền lo cho con. Đến nay, thu nhập của tôi có cải thiện hơn giai đoạn khó khăn trước đó nhưng vẫn thấp. Tôi chắt chiu trong đời sống hàng ngày để lo các khoản chi phí sinh hoạt, học tập của con để con không thiệt thòi so với các bạn học”.

“Nghèo nàn” đời sống tinh thần

Không chỉ khó khăn về đời sống vật chất, nhiều CNLĐ còn "nghèo nàn" đời sống tinh thần. Đi làm về, nhiều CNLĐ hầu như "làm bạn" với 4 bức tường của phòng trọ nhỏ, không tham gia các hoạt động bên ngoài hay đi chơi để thư giãn, giải trí.

Ở trọ trên địa bàn xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, gia đình anh Phạm Thanh Thái hầu như ít khi vui chơi, giải trí bên ngoài. Đi làm về, anh và vợ cùng các con ăn uống, nghỉ ngơi để lấy lại sức cho ngày làm việc hôm sau. Anh Thái chia sẻ: “Mỗi sáng 6 giờ, cả gia đình tôi bắt đầu rời nhà trọ. Vợ chồng đưa các con đi học rồi đi làm. Nếu không tăng ca, vợ chồng tôi tan làm lúc 16 giờ, sau đó đi đón con về lại nhà trọ, hầu như không đi chơi hay ăn uống bên ngoài. Hơn nữa, đi làm về mệt nên vợ chồng tôi muốn nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Thương các con ở trong phòng trọ chật hẹp, ít được đi chơi như các bạn nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh đành phải chịu vậy”.

Thỉnh thoảng, anh Phạm Thanh Thái dẫn các con đi chơi quanh khu nhà trọ

Chị Vũ Thị Phương - CN ở trọ trên địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: “Đời sống vật chất còn khó khăn nên tôi không dám nghĩ đến việc nâng cao đời sống tinh thần. Đi làm về, tôi ở phòng trọ, không đi chơi hay ăn uống bên ngoài để tiết kiệm chi phí. Ngày nghỉ, tôi chỉ lướt mạng, xem các chương trình yêu thích để giải trí”.

Còn nhiều nỗi lo trong đời sống vật chất nên CNLĐ chưa dám chi tiêu xa xỉ cho nhu cầu đời sống tinh thần như đi du lịch, spa,... Với CNLĐ, cuộc sống chỉ đơn thuần là cố gắng làm việc, tạm gác các hoạt động vui chơi, giải trí để kiếm và tích cóp tiền, cải thiện cuộc sống, chăm lo cho gia đình./.

(còn tiếp)

An Nhiên

Bài 2: Công đoàn - Chỗ dựa vững chắc của công nhân, lao động

Chia sẻ bài viết