Khởi nghiệp từ nông nghiệp
Con đường khởi nghiệp đối với người trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, với sự nhiệt huyết, sáng tạo, các bạn trẻ không ngại gian khổ, quyết tâm tìm hướng đi cho riêng mình trên hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp như trường hợp anh Nguyễn Văn Đức, ngụ xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Đức quay về quê hương với mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương từ nông nghiệp. Nghĩ là làm, anh bắt đầu tìm tòi, học hỏi và thực hiện nhiều mô hình về nông nghiệp như nuôi bò, gà,... Song, những mô hình này mang lại giá trị kinh tế không cao, thậm chí còn thua lỗ. Với ý chí, nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Đức không bỏ cuộc mà tiếp tục nỗ lực vươn lên.
Mô hình nuôi cá Koi của anh Đức (bìa trái) mang lại giá trị kinh tế cao
Anh Đức trải lòng: “Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, tôi không chỉ nghiên cứu về mô hình chăn nuôi hiệu quả mà còn nghiên cứu về nhu cầu thị trường. Sau thời gian nghiên cứu, tôi đầu tư 10 triệu đồng nuôi cá Koi (cá chép Nhật Bản). Thời gian đầu, tôi chỉ nuôi thử nghiệm trong bể kính tại nhà. Nhờ chăm sóc tốt, cá phát triển nhanh. Từ đó, tôi cải tạo ao sau vườn để thả nuôi 3.500 con cá Koi. Lúc đó, do chưa có kinh nghiệm nên cá chết nhiều, màu sắc cá và trọng lượng không đạt yêu cầu, thường xuyên xuất hiện bệnh về da. Qua tìm hiểu, tôi biết cách xử lý nguồn nước và bổ sung dinh dưỡng hợp lý để cá thích nghi với môi trường. Giá bán cá Koi khoảng 400.000 đồng/kg (bán xô); cá đạt trọng lượng và màu sắc bán giá dao động từ 300.000-1.000.000 đồng/con, cá biệt có con lên đến vài triệu đồng”.
Cá Koi sẽ bán được giá cao khi đạt trọng lượng và màu sắc
Anh Đức cho biết thêm: “Việc chăm sóc cá Koi rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian. Người nuôi chỉ cần vệ sinh bể thật sạch, nước trong, rong không quá nhiều. Thức ăn cho cá phải là loại thức ăn riêng biệt, có độ đạm cao, được mua tại các cơ sở uy tín,…”.
Bí thư Đoàn xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng - Phan Văn Mùa thông tin: “Thời gian qua, Đoàn xã khuyến khích, tạo điều kiện cho TN khởi nghiệp. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của TN như nuôi ốc bươu, trồng mít, mãng cầu,… Hơn hết, khi thấy mô hình nào mang giá trị kinh tế cao, Đoàn xã tiến hành nhân rộng cho nhiều TN tham gia, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Riêng mô hình Nuôi cá Koi, thời gian tới, Đoàn xã sẽ phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ anh Đức vay vốn để mở rộng mô hình, sau đó hướng dẫn kỹ thuật cho đoàn viên, TN ở địa phương khi có nhu cầu nuôi. Đoàn xã sẽ luôn đồng hành cùng TN trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp”.
Giúp thanh niên đứng vững trên đôi chân của mình
Năm 2020, Huyện đoàn Cần Đước vận động các nhà hảo tâm, công ty, doanh nghiệp được 40 triệu đồng hỗ trợ 18 TN yếu thế phát triển kinh tế hộ gia đình với mức hỗ trợ từ 2-10 triệu đồng/TN. Phó Bí thư Huyện đoàn Cần Đước - Đặng Vũ Khánh chia sẻ: “Có thể mức hỗ trợ không cao nhưng đây là nguồn động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của Ban Chấp hành Huyện đoàn đối với những đoàn viên, TN có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Qua thời gian thực hiện, đến nay, nhiều đoàn viên, TN tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định”.
Huyện đoàn Cần Đước hỗ trợ thanh niên yếu thế phát triển kinh tế hộ gia đình
Anh Nguyễn Thanh Cang, ngụ ấp 2, xã Long Sơn, là 1 trong 18 đoàn viên, TN yếu thế được Huyện đoàn Cần Đước hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Được hỗ trợ 2 triệu đồng, anh đầu tư mua nguyên liệu dệt chiếu. Anh Cang bộc bạch: “Tôi bị bệnh tim, sức khỏe yếu nên không làm được việc nặng. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn, Huyện đoàn thường xuyên tặng quà nhân các dịp lễ, tết, hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi bò. Mới đây, Huyện đoàn còn hỗ trợ tôi 2 triệu đồng mua nguyên liệu dệt chiếu. Sự giúp đỡ của Huyện đoàn giúp tôi có thêm niềm tin vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống”.
Ngoài ra, Huyện đoàn Cần Đước còn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ TN được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Được biết, hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ủy thác qua Huyện đoàn trên 24 tỉ đồng với hơn 1.010 lượt đoàn viên, TN vay vốn. Anh Nguyễn Quốc Thanh, ngụ ấp 6, xã Phước Tuy, chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Đoàn xã Phước Tuy, tôi được vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng thanh long. Đến nay, vườn thanh long đã cho trái, bước đầu cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa”.
Hiện nay, Huyện đoàn Cần Đước có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để đồng hành cùng thanh niên trên đường khởi nghiệp, lập nghiệp
Có thể thấy, việc đồng hành cùng TN khởi nghiệp, lập nghiệp của tuổi trẻ Long An ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tích cực. Hơn hết, với TN nông thôn, sự đồng hành của các tổ chức là bước đệm quan trọng giúp mỗi bạn trẻ tự đứng vững trên đôi chân để bước đến chinh phục thành công con đường phía trước./.
Việc đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của tuổi trẻ Long An ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tích cực. Hơn hết, với thanh niên nông thôn, sự đồng hành của các tổ chức là bước đệm quan trọng giúp mỗi bạn trẻ tự đứng vững trên đôi chân để bước đến chinh phục thành công con đường phía trước”. |
Lê Ngọc