Ban Giám khảo, nhà đầu tư phỏng vấn về ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo lần II năm 2020. Ảnh: Trần Thoa
Quyết tâm khởi nghiệp thành công
Ra trường, làm việc với mức lương ổn định tại Viettel nhưng chàng TN Đinh Bạt Quy lại chuyển hướng, quyết tâm làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp. Ban đầu, với số vốn 120 triệu đồng, Quy liều thuê 5.000m2 đất tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An để bắt đầu khởi nghiệp trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng.
Vừa là người sản xuất, vừa tìm kiếm thị trường tiêu thụ, những lứa dưa lưới đầu tiên được khách hàng ưa chuộng, tin tưởng. Nhận thấy trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao cho năng suất ổn định, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và có nhiều triển vọng mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2018, Quy liên kết thêm 6 thành viên thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Nông Việt.
Anh Đinh Bạt Quy (bên trái) thành công với mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao
Sau thời gian hoạt động, đến nay, HTX có 17 thành viên, diện tích sản xuất gần 3ha, phát triển sản phẩm dưa lưới, cung cấp hàng chục tấn mỗi tháng cho người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, Quy còn nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm mới - nước ép dưa lưới tươi và nước dưa lưới dạng lon.
Để quảng bá và giới thiệu thương hiệu cho sản phẩm, HTX Tâm Nông Việt đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo và mở rộng hệ thống đại lý để phân phối sản phẩm. “Sau khi sản phẩm ra đời, HTX tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm nông nghiệp, thương mại trong tỉnh và khu vực, góp phần giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với khách hàng” - Quy chia sẻ.
Lựa chọn cho mình thử thách khởi nghiệp ở một lĩnh vực mới với nhiều khó khăn, thách thức nhưng mang lại thành công ngoài sự mong đợi là dự án sản xuất rượu vang thanh long và các sản phẩm từ trái thanh long của anh Trần Quốc Trọng, ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành.
Anh Trần Quốc Trọng thành công với dự án sản xuất rượu vang thanh long
Anh Trọng chia sẻ, Châu Thành là “thủ phủ” thanh long nhưng người dân quanh năm chủ yếu trồng, bán trái tươi, chưa có sản phẩm chế biến giúp tăng giá trị cho trái thanh long. Vì vậy, anh muốn làm điều gì đó mới mẻ để đa dạng hóa sản phẩm thanh long. Từ trăn trở đó, anh đi đến quyết định táo bạo là nghiên cứu và thử nghiệm làm rượu vang thanh long.
Sau nhiều lần mày mò, làm đi, làm lại, anh cũng gặt hái được thành quả. Hiện nay, anh nghiên cứu thành công và cho ra đời hơn 10 loại sản phẩm rượu vang thanh long và các sản phẩm từ trái thanh long: Thanh long sấy dẻo, mứt thanh long, tinh dầu thanh long, nước ép thanh long cung cấp ra thị trường. Thời gian qua, anh còn thử sức với các sản phẩm mới như rượu chanh, chuỗi cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm sạch, đặc sản địa phương.
Việc sản xuất rượu vang thanh long ngày càng thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh khi được hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Nhờ vậy, các công đoạn sản xuất được rút ngắn. Hiện anh đã làm chủ hoàn toàn về công thức chế biến rượu vang thanh long và có thể điều chỉnh độ rượu theo ý muốn. Anh Trọng cho biết, hàng tháng tiêu thụ khoảng 5 tấn thanh long nguyên liệu, mỗi năm sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 lít rượu vang thanh long.
Còn anh Bùi Thành Được, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, lại khởi nghiệp bằng dự án sản xuất ống hút cỏ bàng. Ý tưởng này nảy sinh trong một lần anh đi ngang cánh đồng cỏ bàng ở huyện Đức Hòa. Sau hôm đó, về nhà, anh cứ suy nghĩ, cỏ bàng ở Long An cũng không phải khó tìm, vậy tại sao lại không làm ống hút bằng cỏ bàng. Việc này sẽ góp phần hạn chế việc sử dụng ống hút bằng nhựa nhằm bảo vệ môi trường. “Ý nghĩ đó càng thôi thúc tôi phải quyết tâm thực hiện cho bằng được. Và rồi, cách đây hơn 2 năm, cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng tại nhà đã ra đời” - anh Được nhớ lại.
Anh Bùi Thành Được khởi nghiệp với mô hình sản xuất ống hút cỏ bàng
Là sản phẩm tự phân hủy và thân thiện với môi trường nên ống hút cỏ bàng với tên thương hiệu Miền Tây Xanh của anh sau một thời gian xuất hiện trên thị trường đã nhanh chóng nổi tiếng xa, gần, lượng khách đặt hàng ngày càng tăng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất, cung ứng hơn 100.000 ống hút cỏ bàng cho các chuỗi cửa hàng và xuất khẩu sang các nước châu Âu. Không chỉ thu về lợi nhuận cao, cơ sở còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
Các cấp bộ Đoàn có nhiều hoạt động để tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn còn đề xuất các doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư vào các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ”.
Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh
|
Trong những lần đối thoại với ĐVTN, lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp luôn truyền tải thông điệp đến các bạn trẻ phải tự tin phát huy những thế mạnh của tuổi trẻ, sáng tạo và nỗ lực hơn nữa trong phong trào khởi nghiệp. Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh trong những lần trao đổi, gặp gỡ ĐVTN cũng luôn nhấn mạnh: “Các cấp bộ Đoàn có nhiều hoạt động để tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn còn đề xuất các doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư vào các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ”.
Tuy nhiên, ngoài những ưu thế của TN như sự nhiệt huyết, sức trẻ, có kiến thức, khát vọng cùng tính nhạy bén thì nhiều TN còn khó khăn về nguồn vốn trên con đường khởi nghiệp. Theo đó, ngoài sự hỗ trợ của gia đình, tự lực của bản thân, thời gian qua, các cấp, các ngành, nhất là tổ chức Đoàn luôn quan tâm làm cầu nối cho ĐVTN vay vốn để sản xuất, kinh doanh.
Trưởng ban Công tác TN Tỉnh đoàn - Trần Quốc Quân cho biết, đến nay, Trung ương Đoàn phân bổ gần 900 triệu đồng hỗ trợ vốn vay cho 5 dự án khởi nghiệp của ĐVTN trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, từ cầu nối của các cấp bộ Đoàn, hiện nay, nhiều ĐVTN vay 421 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội,...
Bên cạnh đó, việc giúp ĐVTN học hỏi, tiếp cận khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất cũng được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, Đoàn TN tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh lần thứ I năm 2018 và lần thứ II năm 2020. Cuộc thi giúp TN có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đam mê lập thân, khởi nghiệp. Mặt khác, cuộc thi là sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần khơi nguồn và phát triển những sản phẩm sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu chính đáng của tuổi trẻ.
Với nhiều lợi thế và nghị lực của tuổi trẻ cũng như sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tin rằng, thời gian tới, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong ĐVTN trên địa bàn tỉnh sẽ lan tỏa sâu, rộng và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình, gương sáng ĐVTN khởi nghiệp thành công, giàu có và góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương./.
Con đường khởi nghiệp đối với đoàn viên, thanh niên chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người trẻ quyết tâm khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao. Khởi nghiệp không khi nào là muộn nhưng càng trẻ càng tốt, càng sớm càng tốt. Bởi tuổi trẻ có nhiều ý nghĩ sáng tạo, việc làm táo bạo, ít vướng bận lại có sức khỏe và nhiều thời gian để sửa sai. Mặt khác, tuổi trẻ luôn có nhiều nhiệt huyết, niềm đam mê, khát vọng vươn lên, khát vọng thể hiện và nền tảng kiến thức, sự nhạy bén. |
Lê Đức