"Mở cửa" hết mức có thể để hút khách
Sự lớn mạnh của ngành du lịch Nhật Bản trong thời gian qua được cho là một trong những kết quả thành công nhất của chính sách chấn hưng kinh tế mang tên "Abenomics" của Thủ tướng Shinzo Abe.
Trong đó, những nỗ lực nhằm đơn giản hóa các quy định về cấp visa được thực hiện ngay trong tuần đầu tiên, khi ông Abe bắt đầu đảm nhiệm vai trò Thủ tướng hồi cuối năm 2012 được xem là nhân tố chính dẫn đến sự bứt phá ngoạn mục của ngành Du lịch nước này.
Việc giảm bớt các quy định về thị thực đối với khách du lịch Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã mở đường cho làn sóng du lịch Nhật Bản - vốn là điểm đến hấp dẫn của tầng lớp trung lưu ở châu Á.
Nhờ chính sách đó, lượng khách du lịch đến "xứ sở hoa anh đào" đã tăng gần 4 lần, từ mức trung bình hàng tháng là 697.000 lượt (năm 2012) lên đến hơn 2,8 triệu lượt khách trong thời gian gần đây.
Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc hút lượng khách Việt ngày càng lớn nhờ nới lỏng chính sách visa thì đáng tiếc là tại Việt Nam, thị thực vẫn là một trong những "điểm nghẽn" của ngành. Ảnh SONG HÀ
Theo thống kê của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, du khách đến nước này năm 2017 tăng 19%, lên 28,69 triệu lượt khách, chi tiêu lên tới 4.000 tỷ Yên (35,9 tỷ USD) so với mức 3.740 tỷ Yên so với năm 2016, đạt mức cao kỷ lục và tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nước châu Á. Nhật Bản đang chuyển mình để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.
Còn tại Hàn Quốc, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam Jung Chang Wook cho biết: "Phần lớn du khách tại các nước phát triển khi đến Hàn Quốc du lịch ngắn ngày đều không cần xin visa. Còn đối với thị trường Đông Nam Á, các nước được miễn visa khi đi du lịch Hàn Quốc ngắn ngày đó là Thái Lan, Singapore và Malaysia".
Trong khối ASEAN, cùng với Indonesia và Philipines, đầu năm 2018, du khách Việt Nam cũng được miễn giảm thủ tục xin visa khi nhập cảnh vào Hàn Quốc trong dịp Thế vận hội mùa đông từ 22/1/2018 đến 30/4/2018 thông qua sân bay Yangyang.
Trước đó, bắt đầu từ tháng 7 năm 2017, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp nới lỏng chính sách visa đối với du khách Việt. Cụ thể, từ tháng 7-2017, phía Hàn Quốc thực hiện miễn giảm thủ tục chứng minh tài chính cho nhiều đối tượng công dân Việt Nam đến nước này.
Đồng thời, cơ quan ngoại giao của Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã ký kết với 35 công ty du lịch tại Hà Nội và TP. HCM nhằm hợp tác đơn giản hóa thủ tục visa cho khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc.
"Nới visa", khách Việt tấp nập đi du lịch Nhật, Hàn
Hàn Quốc giờ đây trở thành một trong những điểm đến "outbound" được ưa chuộng bậc nhất của khách Việt Nam. Ngoài những yếu tố về sản phẩm, dịch vụ và giá hấp dẫn, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là nhờ có nhiều cải thiện trong chính sách visa.
Trong năm 2017, lượng khách Việt Nam du lịch Hàn Quốc cán mốc 320 nghìn lượt khách, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng đạt mức 29%, tương đương mức tăng trưởng được xem là kỳ tích của du lịch Việt Nam trong năm 2017.
Du khách quốc tế tham quan Khu Du lịch Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Ảnh Song Hà
"Trước đây, chúng tôi cũng khá lo ngại về việc nhiều du khách Việt Nam đến Hàn Quốc du lịch và không quay trở lại Việt Nam theo đúng hành trình. Tuy nhiên gần đây, điều đáng mừng là số lượng khách du lịch trốn ở lại Hàn Quốc với mục đích khác không còn nhiều nữa. Cũng vì thế mà trong thời gian vừa qua, Hàn Quốc đã liên tiếp thực thi các chính sách nới lỏng visa đối với du khách Việt" - ông Jung Chang Wook chia sẻ.
Mặc dù không áp dụng chính sách miễn thị thực cho du khách Việt Nam, song chính phủ Nhật Bản cũng có giải pháp khá linh hoạt để giảm thiểu "nỗi lo" về thủ tục visa để thu hút khách Việt Nam.
Bắt đầu từ tháng 12/2016, có khoảng 30 công ty du lịch Việt Nam được Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam ủy thác. Khách muốn mua tour du lịch Nhật Bản có thể nộp hồ sơ cho 30 công ty du lịch được ủy thác này.
Sự thay đổi lớn nhất ở đây là mỗi người thay vì phải đến Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán để tự nộp hồ sơ xin thị thực thì họ chỉ phải đến các công ty du lịch để "book" tour. Đặc biệt, không chỉ du khách, những người có mục đích khác như đi công tác hay du học đều có thể nộp hồ sơ xin visa qua các công ty du lịch được ủy thác này.
Theo ông Takahashi Ayumi - Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam, các công ty du lịch được ủy thác sẽ có vai trò như các đại lý có thể thay mặt Đại sứ quán để nhận hồ sơ nộp visa cho khách hàng. Bản thân các công ty du lịch này cũng sẽ được "ưu ái hơn" khi những giấy tờ, tài liệu cần thiết để xin thị thực cho khách sẽ ít phức tạp hơn, đơn giản hơn. Điều này vừa có lợi cho công ty du lịch, vừa có sức hấp dẫn đối với du khách Việt Nam.
"Kể từ khi HanoiRedtours được Đại sứ quán Nhật Bản ủy thác nhận hồ sơ xin visa cho khách hàng Việt Nam, lượng khách đăng ký tour Nhật tăng đột biến. Khách hàng không chỉ hài lòng vì thủ tục nhanh gọn, mà thời gian chờ đợi còn được rút ngắn từ 8 ngày xuống chỉ còn 4 - 5 ngày"-ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc HanoiRedtours, đơn vị vừa được Tổng cục Du lịch Nhật Bản vinh danh bán tour đi Nhật Bản tốt nhất năm 2017, chia sẻ.
Chỉ một năm sau khi áp dụng chính sách nới lỏng visa này,lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản trong năm 2017 tăng đột biến với 308.900 người. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay và tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2016 là 32%. Đây cũng là con số tăng trưởng cao so với các thị trường Đông Nam Á khác.
Có rất nhiều lý do dẫn đến sự tăng trưởng mạnh này, nhưng giải pháp nới lỏng visa được xem là nhân tố thúc đẩy quan trọng nhất.
Trong khi du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc hút lượng khách Việt ngày càng lớn nhờ nới lỏng chính sách visa thì đáng tiếc là tại Việt Nam, thị thực vẫn là một trong những "điểm nghẽn" của ngành kinh tế xanh. Bởi thế, du lịch Việt Nam đang rơi vào thế cạnh tranh không cân xứng, các doanh nghiệp rất khó thu hút khách, còn các vị khách quốc tế lại "ngại" Việt Nam./.
Theo tuoitre.vn