Tiếng Việt | English

27/12/2019 - 08:55

Du lịch xanh - hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam

Việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết, đây cũng nên là định hướng lâu dài cho du lịch Việt Nam trong điều kiện đầy biến động của môi trường.

Hồ Kẻ Gỗ - Điểm du lịch xanh của Hà Tĩnh. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Tổ chức UNWTO đánh giá khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới và Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất.

Việt Nam là một đất nước có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử. 

Hòa cùng xu thế toàn cầu,  ngành du lịch Việt Nam xác định du lịch xanh, du lịch bền vững trên nền tảng du lịch xanh là con đường phát triển xuyên suốt trong 10 năm tới.

Phát triển du lịch bền vững: Bỏ thói quen "ăn xổi"

Được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng ngành du lịch Việt Nam lại có đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên. Vì thế, để du lịch phát triển bền vững thì không thể “ăn xổi” mà tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ cao nhất thế giới với 3.260km, và cũng là đất nước có tới 2.360 dòng sông lớn, nhỏ.

Chỉ cần vứt vỏ một chai nước trên con sông ở những tỉnh miền núi xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, hay Đắk Lắk, Kon Tum... thì cuối cùng chúng cũng trôi ra tận biển.

Tất cả những rác thải nhựa bằng cách này hay cách khác rồi cũng “tìm đường” ra sông rồi đổ về phía biển. Vì thế, mỗi người chúng ta đều không vô can trong câu chuyện này. Để có được môi trường du lịch xanh và an toàn cho sức khỏe, phải có hành động thiết thực ngay từ bây giờ.

Vài năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá mà theo đánh giá của các chuyên gia trong Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2018, mức tăng trưởng lượng khách quốc tế đến lên tới 22,9% (trong khi con số trung bình trên thế giới là 5-6%) là mức tăng trưởng rất cao, đã đưa Việt Nam trở thành “điểm nóng” của du lịch toàn cầu.

Khi trở thành “điểm nóng” thu hút khách mà thiếu sự chuẩn bị hạ tầng và tâm lý, thì lập tức ngành du lịch Việt Nam lập tức đối mặt với việc hệ thống các khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí phát triển quá nhanh, quá tải…

Du lịch phát triển “nóng” trong khi hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành du lịch chưa theo kịp, dẫn đến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ xây dựng dễ “né” hệ thống xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, túi nylon, chai lọ và vật dụng làm bằng nhựa xả khắp các điểm du lịch không được kiểm soát, gây suy giảm sức hấp dẫn điểm đến và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch quốc gia.

Đã đến lúc phải cư xử đúng với môi trường

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Từ năm 2017, ở Hội An xuất hiện tour du lịch chèo thuyền kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông Hoài do Công ty Du lịch Hội An Kayak giới thiệu đã rất thu hút du khách. Chi phí cho một tour như thế này là 10 USD/khách, chèo thuyền 4 giờ đồng hồ vừa ngắm cảnh vừa vớt rác.

Nhiều du khách trong nước, quốc tế ban đầu vì tò mò mà tham gia, sau đó thực sự rất hào hứng.

Hoạt động đầy ý nghĩa này cũng dần dần thu hút đông đảo người dân địa phương cùng tham gia vớt rác với du khách.

Tour này đã góp phần bảo vệ môi trường sống Hội An, đặc biệt là vùng hạ lưu sông Thu Bồn, nơi có rừng dừa ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng và là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Hội An cũng là một trong những địa phương tiên phong giảm rác thải nhựa, xây dựng môi trường du lịch thân thiện.

Nhà hàng Sapo Hội An trong 5 năm qua đã chuyển đổi khoảng 300 lít dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng nhà bếp, thay vì thải trực tiếp ra môi trường.

Du lịch xanh, lựa chọn của Việt Nam. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Từ cuối năm 2018 đến nay, khu nghỉ dưỡng An Nhiên Farm đã tái chế khoảng 300kg xà phòng dùng một lần; 1,5 tấn vải trắng đã qua sử dụng thành các sản phẩm hữu ích…

Tại Côn Đảo, khu nghỉ Six Senses Côn Đảo kết hợp với vườn quốc gia Côn Đảo đã phục hồi nhiều bãi đẻ và thực hiện bảo tồn rùa.

Một số ổ trứng trên 12 bãi biển được đưa về ấp tại resort, giúp trứng rùa và rùa con được chăm sóc tốt. Hoạt động thả rùa về biển ở đây thu hút được sự quan tâm của các du khách, đặc biệt là các em nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước tại các cơ sở lưu trú, đăng ký chứng nhận nhãn sinh thái Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú.

Một số doanh nghiệp lại thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là làm sạch môi trường…

Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh chia sẻ, hưởng ứng chương trình “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã kêu gọi toàn thể hội viên khắp cả nước cùng hành động, chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.

Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam khuyến khích các đơn vị lữ hành hạn chế sử dụng hoặc đưa ra sáng kiến thay thế nước đóng chai bằng những dụng cụ khác...; tư vấn cho khách không mang đồ uống, túi nhựa, chai lọ nhựa trong hành trình du lịch.

Các hãng đàm phán và lên kế hoạch với các nhà hàng, khách sạn, nhà xe, nhà tàu... để bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.

Hội viên là các nhà hàng, khách sạn, điểm đến, tàu, xe, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam kêu gọi tăng cường thùng đựng rác, phân loại rác ngay từ khi tiếp nhận rác; thay thế nước chai đặt phòng bằng các hình thức khác như trà, nước lá, nước mát... đựng trong bình thủy tinh; hạn chế rác thải nhựa trong quá trình kinh doanh.

Văn hóa bản địa - Tương lai của du lịch xanh

Ngày nay, du khách có xu hướng quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng ở núi, trải nghiệm văn hóa địa phương.

Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành.

Với các điểm đến thân thiện môi trường, điểm đến gần gũi với thiên nhiên, con người tìm được về với cội nguồn cũng như nét văn hóa đặc sắc địa phương.

Mô hình cá Bống khổng lồ thu gom rác thải nhựa tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Các chuyến đi du lịch của những du khách tiên phong dẫn dắt trào lưu đó đã tạo ra xu hướng mới cho dòng khách du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường. Điều này đòi hỏi các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp phải bắt kịp được với du hướng đó trong việc phát triển du lịch xanh.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho biết phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, với xã hội là một xu hướng, đồng thời là hướng phát triển của du lịch Việt Nam trong yêu cầu cũng như định hướng chiến lược phát triển.

Tổng cục Du lịch đưa ra những tiêu chí để các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch theo những tiêu chí xanh và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường.

Khi các sản phẩm du lịch đạt được các tiêu chí xanh và trách nhiệm môi trường thì sẽ ngày càng được chào đón, thu hút quan tâm và hấp dẫn được du khách.

Định hướng phát triển của du lịch Việt Nam thời gian tới sẽ nhắm vào phát triển những sản phẩm du lịch mang tính văn hóa bản địa, khai thác yếu tố văn hóa địa phương trở thành thế mạnh khác biệt và độc đáo của từng miền.

Chiến lược phát triển này cũng đề cao vai trò người dân với tinh thần tự tôn tình yêu quê hương, đất nước./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết