Tiếng Việt | English

04/01/2016 - 14:55

Đưa Luật Hộ tịch vào cuộc sống

Luật Hộ tịch (LHT) gồm 7 chương và 77 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Luật có những quy định thể hiện sự cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Cán bộ tư pháp xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An - Trương Thị Oanh luôn tận tình hướng dẫn người dân khi đăng ký hộ tịch

Những điểm mới của Luật Hộ tịch

Về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, LHT có nhiều đổi mới như: Đơn giản hóa và cắt giảm nhiều loại giấy tờ không cần thiết khi đăng ký hộ tịch. Cải tiến phương thức nộp hồ sơ, có nhiều phương án để người dân tự lựa chọn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện, thuận tiện hơn nữa là đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép. Qua đó, giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các vụ việc liên quan đến hộ tịch.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Võ Minh Thành cho biết:"Nếu một công dân tạm trú ở huyện Vĩnh Hưng muốn đăng ký về hộ tịch ở TP.Tân An thì không cần thiết phải về TP.Tân An mà có thể đăng ký tại huyện Vĩnh Hưng thông qua hệ thống mạng hộ tịch của Sở Tư pháp đã nối thông 15 huyện, thị xã, thành phố. Kể từ ngày 1-1-2016, người dân không phải đi lại tốn kém, mất thời gian khi trích lục dữ liệu ho tịch trong tỉnh".

LHT cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Cá nhân có thể đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch ở nơi mình thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Khi đăng ký hộ tịch người dân được cấp trích lục hộ tịch.
Đối với một số vụ việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày như : Khai sinh, đăng ký kết hôn. LHT cũng quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn...

Tình hình triển khai Luật Hộ tịch tại Long An

Thực hiện Quyết định 1131 của UBND tỉnh về việc triển khai LHT, Sở Tư pháp đã tập trung triển khai xuống các đơn vị cơ sở. Điểm mới là Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh phân cấp cho cơ sở, trước đây, việc hộ tịch có gắn yếu tố nước ngoài sẽ do Sở Tư pháp đảm nhiệm thì nay việc hộ tịch liên quan đến 2 cấp là cấp xã và cấp huyện. 

Vì vậy, vai trò của Phòng Tư pháp cấp huyện nặng nề hơn, nhất là vấn đề liên quan đến yếu tố nước ngoài đòi hỏi công chức phải bảo đảm về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ. Sở Tư pháp tăng cường tập huấn, triển khai nghiệp vụ cho đơn vị cấp cơ sở. Trước đây, quy định khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài bắt buộc phải qua khâu phỏng vấn thì nay đã đơn giản không bắt buộc qua khâu phỏng vấn.

Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Cần Giuộc - Võ Văn Thơ cho biết: "Phòng Tư pháp đã triển khai LHT đến các phòng của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn và cán bộ tư pháp cơ sở. Cán bộ tư pháp phối hợp Đài Truyền thanh huyện, xã phát thanh đưa luật xuống địa bàn các ấp, tổ dân phố. Đối với người dân, tổ chức triển khai bằng hình thức tuyên truyền miệng lồng ghép với các nội dung khác. Ngoài ra, một số xã tổ chức tuyên truyền diện rộng thu hút nhiều người nghe".

Đến nay, hầu hết 15 địa phương của tỉnh đồng loạt triển khai, tuyên truyền quyết tâm đưa LHT đi vào cuộc sống. Riêng huyện Thủ Thừa đã tổ chức hội nghị trực tuyến, có trên 100 cán bộ tham dự gồm thủ trưởng cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện và cán bộ tư pháp các xã. Phòng Tư pháp phối hợp Liên đoàn Lao động huyện Thủ Thừa tổ chức triển khai, có 87 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham dự; tổ chức Tiết pháp luật tại các trường học và Trung tâm Giáo dục thường xuyên 4 cuộc với 2.969 người tham dự. Các xã, thị trấn tổ chức 13 cuộc cho 745 cán bộ, công chức cấp xã nắm bắt, trong đó có 8 xã tổ chức hội nghị chuyên đề và 5 xã lồng ghép triển khai LHT vào Ngày pháp luật hằng tháng./.

Đại Lâm
 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích