Không còn “khát” nước
Trước đây, ở vùng hạ 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước, tình trạng thiếu NSH xảy ra triền miên, gây không ít khó khăn cho người dân và đặt ra bài toán khó cho các cấp lãnh đạo. Nhất là vào mùa khô, cuộc sống của người dân ở đây bị đảo lộn vì thiếu nước trầm trọng, nhiều hộ phải “bấm bụng” đổi nước với giá rất cao, gấp hàng chục lần so với giá bình thường.
Gần 10.000 hộ dân các xã vùng hạ 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước được sử dụng nước sinh hoạt từ các dự án cấp nước do tỉnh, huyện thực hiện (Trong ảnh: ông Lê Minh Hùng, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, được sử dụng nước sạch sau nhiều năm chờ đợi)
Tuy nhiên, từ năm 2018, người dân ở đây không còn lo lắng vì tình trạng thiếu nước bởi sau rất nhiều nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, huyện, địa phương, một số DA cấp nước được đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy được công năng vốn có. Bà Trần Thị Huỳnh, ngụ ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, vui vẻ nói: “Bây giờ, tình trạng thiếu nước không còn trầm trọng như trước. Mùa khô sắp tới, người dân chúng tôi không còn phải chật vật đổi nước giá cao nữa, ai nấy cũng đều vui mừng”. Theo UBND xã Long Hựu Tây, huyện, tỉnh có chủ trương đầu tư nhiều DA cấp nước cho người dân. Mới đây, hệ thống cấp nước trên địa bàn được cải tạo, tuy cấp nước chưa đầy đủ nhưng tình trạng thiếu nước không còn xảy ra. Mùa khô sắp tới, người dân cũng không phải đối mặt với tình trạng “khát” nước như trước.
Ông Lê Minh Hùng, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, phấn khởi: “Trước đây, chúng tôi thiếu NSH trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Người dân phải lắng nước ở ao, hồ, tận dụng nguồn nước mưa để sinh hoạt, tuy nhiên, lượng nước ít, không đủ nhu cầu. Nước giếng hầu như không sử dụng được do nhiễm mặn, phèn. Chưa kể, mùa khô, chúng tôi phải đổi nước với giá cao để sử dụng. Do đó, người dân ở đây ai cũng trông chờ các cấp lãnh đạo đầu tư DA nước, giải quyết tình trạng này. Và giờ đây, sau hơn 40 năm chờ đợi, chúng tôi có nước sử dụng đúng nghĩa. Không chỉ vậy, nước ở đây là nước sạch theo tiêu chuẩn, giá nước 10.000 đồng/m3, gia đình tôi mỗi tháng chỉ tốn khoảng 50.000-60.000 đồng tiền nước. Vì vậy, người dân ở đây đều vui mừng, cảm ơn các cấp lãnh đạo quan tâm, lắng nghe và chia sẻ khó khăn với dân”.
Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - Võ Thị Như Thảo cho biết: “Trước đây, người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn về NSH, nhất là vào mùa khô, các hộ phải “gồng mình” đổi nước với chi phí gấp mấy lần so với bình thường. Người dân phải lắng nước từ ao, hồ, trữ nước mưa để dùng chứ nước giếng khoan thường bị nhiễm mặn, không dùng được. Địa phương hiểu nỗi khổ của người dân nên kiến nghị cấp trên quan tâm, đầu tư. Bây giờ, một số DA nước được đầu tư, đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng thiếu nước. Mùa khô tới, người dân ở xã không phải lo lắng vì “khát” nước như trước. Tại xã, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 25,2% sử dụng nước sạch. Riêng ấp Vĩnh Thạnh, 100% hộ dân sử dụng nước sạch”.
Nhà máy cấp nước của Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm (đóng trên địa bàn xã Long Phụng) hiện cấp nước cho 3.160 hộ thuộc 4 xã vùng hạ huyện Cần Giuộc
Cần đẩy nhanh tiến độ
Trước thực trạng các xã vùng hạ 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước thường xuyên thiếu NSH, việc cấp nước cho người dân được lãnh đạo tỉnh, huyện đặt lên hàng đầu. Nhiều DA cấp nước được phê duyệt, đầu tư để đưa nước về vùng hạ. Đến nay, một số DA hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm, đơn vị thực hiện DA cấp nước cho 5 xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc (Long Phụng, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây). Nhà máy đặt tại xã Long Phụng chính thức đi vào hoạt động tháng 01-2017. Công trình chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sử dụng nguồn nước ngầm khai thác tại chỗ, với công suất 1.000m3/ngày đêm đã hoàn thành, cấp nước cho hơn 3.000 hộ dân thuộc 4 xã: Long Phụng, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Vĩnh Tây. Giai đoạn 2, đơn vị tiếp nhận nguồn nước của Sawaco với công suất 3.600m3/ngày đêm để bảo đảm cấp nước cho 8.700 hộ dân ở 5 xã theo kế hoạch. Tuy nhiên, giai đoạn 2 chưa thể thực hiện do phụ thuộc DA cấp nước cho 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước lấy nguồn nước từ Sawaco. Đơn vị giải quyết nhu cầu trước mắt bằng cách thỏa thuận với Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Cần Đước tiếp nhận thêm 500m3/ngày đêm, bổ sung vào nhà máy, cấp nước cho người dân. Về lâu dài, đơn vị kiến nghị lãnh đạo sớm đôn đốc tiến độ DA lấy nước từ Sawaco để công ty hoàn thành chương trình cấp nước.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ: “Cấp NSH cho người dân các xã vùng hạ được lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn huyện triển khai nhiều DA cấp nước, một số hoàn thành, cơ bản giải quyết được vấn đề NSH cho người dân vùng này. Tuy chưa thể đến từng hộ dân nhưng tuyến ống nước chính đã kéo qua hầu hết các địa bàn, không còn tình trạng người dân phải đổi nước giá cao (nhất là vào mùa khô) như trước. Huyện phối hợp sở, ban, ngành tỉnh cùng chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ DA còn lại. Đối với DA cấp nước cho 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước sử dụng nguồn nước từ Sawaco, huyện triển khai đường ống đến vị trí đấu nối giáp TP.HCM, tuy nhiên, vẫn chưa thể tiếp nhận nguồn nước từ phía Sawaco. Huyện kiến nghị tỉnh có giải pháp, làm việc với TP.HCM để sớm đấu nối, cung cấp nước cho người dân theo kế hoạch DA đề ra”.
Bằng nội lực của địa phương, huyện Cần Đước chủ động triển khai một số DA đầu tư, nâng cấp các trạm cấp nước để phục vụ người dân, nhất là những xã thường xuyên thiếu nước vào mùa khô: Long Hựu Đông, Long Hựu Tây,... Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin: “Thời gian qua, với nguồn lực của huyện, chúng tôi đầu tư, cải tạo và nâng cấp một số hệ thống cấp nước để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Đến nay, người dân trên địa bàn huyện cơ bản có nước để sử dụng, không còn lo lắng về việc thiếu nước như trước đây nữa. Huyện luôn chủ động trong vấn đề này, thường xuyên kiểm tra, làm việc với đơn vị thi công để đôn đốc, bảo đảm tiến độ DA theo kế hoạch. Về lâu dài, huyện kiến nghị tỉnh có giải pháp để sớm hoàn thành DA cấp nước cho 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước nhằm bảo đảm cấp nước đầy đủ cho người dân”./.
Thông tin từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hiện nay có hơn 10 DA cấp nước đã và đang triển khai tại các xã vùng hạ của 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Trong đó, một số DA hoàn thành, đưa vào sử dụng, cấp NSH cho gần 10.000 hộ dân. Đến tháng 11/2018, 95,9% hộ dân nông thôn ở huyện Cần Giuộc sử dụng nước hợp vệ sinh, 47,3% sử dụng nước sạch; Cần Đước có 94,9% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và 24,8% sử dụng nước sạch. |
Thanh Mỹ