Tiếng Việt | English

29/05/2016 - 05:22

G7 lo ngại Brexit sẽ là mối đe dọa với kinh tế toàn cầu

Brexit-tức là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu- sẽ là một mối đe dọa thực sự với nền kinh tế toàn cầu.

Đó là cảnh báo của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp và phát triển (G7) đưa ra trong bối cảnh cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc “ra đi” hay “ở lại” Liên minh châu Âu đang đến gần.

Trong tuyên bố chung sau hai ngày họp thượng đỉnh tại Mie, Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 nêu rõ, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ đảo ngược xu hướng tiến tới đầu tư và thương mại toàn cầu và việc làm được tạo ra từ xu hướng này, do đó sẽ gây nguy cơ nghiêm trọng hơn đối với tăng trưởng.

Từ trái sang Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Phap François Hollande và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (ảnh: Getty).

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, Brexit không phải là chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, song tất cả các nhà lãnh đạo dự họp đều tỏ tín hiệu muốn Anh tiếp tục là một phần của EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron vẫn đang tích cực vận động cử tri Anh bỏ phiếu ở lại EU trong bối cảnh chưa đầy 1 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu ý dân quan trọng này.

Phát biểu trước báo giới khi tham dự Hội nghị G7 tại Nhật Bản, Thủ tướng Cameron nói: “Nếu bạn muốn rời khỏi thị trường chung, thì điều này có nghĩa là bạn sẽ không thể dễ dàng tiếp cận lại với khối thị trường này. Việc tiếp cận các thị trường gặp khó khăn sẽ kéo theo những ảnh hưởng đến nền kinh tế và hàng loạt hệ lụy khác”.

Những ý kiến xung quanh vấn đề Brexit dường như chỉ tập trung vào các hậu quả tiêu cực mà nó sẽ mang đến. Với nước Anh, hậu quả trực tiếp chính là rào cản thương mại và các cuộc đàm phán kinh tế mới với phần còn lại của thế giới.

Với Liên minh châu Âu sẽ là những bất ổn kinh tế kéo theo bất ổn xã hội và những rạn nứt đang đe dọa sự thống nhất, toàn vẹn của Liên minh. Những người phản đối Brexit cho rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ gây rối loạn về chính trị và kinh tế trong khu vực, và có thể lan ra các khu vực khác trên thế giới.

Anh sẽ tiến hành trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới. Khi cuộc trưng cầu ý dân ngày càng đến gần thì không chỉ chính phủ, mà cả giới doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân Anh cũng đang phải tính đến những cái được và mất khi Anh ra đi.

Một cuộc khảo sát công bố trong tuần này của JP Morgan cho thấy, tỷ lệ người Anh ủng hộ “ở lại” nhiều hơn so với tỷ lệ người muốn “ra đi” khoảng 7,6 điểm %, cao nhất kể từ đầu năm nay. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy, 44% số người được hỏi ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu, trong khi chỉ 38% số người được hỏi muốn rời khỏi khối này./.

Hoàng Lê/VOV (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết