Tiếng Việt | English

05/07/2017 - 20:03

Gia đình là thành trì vững chắc

Ly hôn, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình,... xảy ra, gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp của đạo đức, lối sống trong gia đình giữa cuộc sống ngày nay. Để trở thành những tế bào lành mạnh của xã hội, mỗi nhà phải là thành trì vững chắc bảo vệ những giá trị tốt đẹp, ngăn chặn và đẩy lùi các thói hư, tật xấu.

Những hồi chuông cảnh báo

Dự phiên tòa xét xử lưu động cách đây hơn nửa tháng ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhiều người thở dài ngao ngán khi nghe hành vi phạm tội của Trần D.T., ngụ thị trấn Đức Hòa.

Cuối tháng 11/2016, T. đến nhà bà N., cùng ngụ thị trấn Đức Hòa, lấy 2 con dao và đến một quán cà phê chém một số người. Đây là hành vi nguy hiểm khi cố ý gây thương tích, làm ảnh hưởng trật tự xã hội tại địa phương. Lối sống của T. không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là nỗi buồn của gia đình.

Nó để lại “vết cắt” trong lòng những người cha, người mẹ khi con rơi vào lối sống lệch lạc. Cha mất, một mình mẹ T. tảo tần nuôi các con bằng nghề buôn bán ở thị trấn Đức Hòa. Có lẽ vì quanh năm suốt tháng lo kinh tế gia đình, mẹ T. chưa thật sự quan tâm đến các con. Phiên tòa xét xử hành vi vi phạm pháp luật của T. góp phần thức tỉnh những người mẹ, người cha - hãy dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ các con!

Vợ chồng trẻ nên dành thời gian cho nhau để hiểu, chia sẻ và cùng vun bồi hạnh phúc gia đình

Các tệ nạn xã hội “tấn công” vào gia đình ngày càng nhiều. Nhiều người cha, người mẹ từng “ngậm đắng nuốt cay” khi biết con mình nghiện ma túy.

Có 3 người con trai, bà Hồ T.Q., ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa cứ ngỡ khi tuổi già sẽ được các con chăm sóc, đỡ đần mọi việc. Thế nhưng, người mẹ ấy như chết lặng khi hay tin con trai đầu trở thành con nghiện. Hy vọng vào 2 đứa con còn lại cũng tắt khi con trai kế giẫm lên “vết xe đổ” của anh. Quyết tâm giúp con tìm lại ánh sáng cuộc đời, bà nhiều lần lặn lội, đưa con đi cai nghiện nhưng không thành. Bất lực, bà đành buông xuôi trong nỗi đau tuyệt vọng.

Bà Q. nghẹn ngào: “Nhìn thấy nhiều gia đình có con học hành đàng hoàng, tôi cũng mong con mình được như thế, nhưng không thể. Dù tôi luôn nhắc nhở, dạy bảo nhưng khi ra ngoài tiếp xúc với bè bạn, chúng nó không vượt qua được sự lôi kéo nên sa ngã”.

Đạo đức gia đình đang xuống cấp! Nhiều người con không hiếu thảo, có lối sống lệch lạc và vô số cặp vợ chồng ly hôn, xảy ra bạo lực, làm mờ nhạt giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Long An, trong 3 năm, từ ngày 01/01/2014 đến 31/12/2016, Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thụ lý, giải quyết sơ thẩm 13.812 vụ án ly hôn, trong đó có 246 vụ ly hôn do bạo lực gia đình. Ngoài ra, theo thống kê của Công an tỉnh, năm 2016 có 4 vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng, tăng 2 vụ so với năm 2015. Những câu chuyện buồn, những con số đáng sợ ấy gióng lên hồi chuông phải vực dậy những giá trị của gia đình.

Phải giáo dục từ trong gia đình

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Minh Hiếu: “Ngoài những giá trị tốt đẹp được phát huy thì văn hóa gia đình trong cuộc sống hôm nay có nhiều biểu hiện chưa tốt. Chuyện hiếu nghĩa, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, kính trên, nhường dưới, thủy chung,... có những biểu hiện xuống cấp. Nhiều gia đình lo làm kinh tế mà quên giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa gia đình, chống các tệ nạn xã hội”.

Những thuần phong, mỹ tục truyền thống sẽ không bị “đánh rơi” nếu gia đình là thành trì vững chắc che chở, ngăn ngừa và đẩy lùi các biểu hiện lệch lạc. Trong đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa gia đình là điều cần thiết mà vợ chồng bà Trương Thanh Hương, ngụ ấp Chánh, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa luôn chú trọng. Trong gia đình, trước tiên, những mối quan hệ giữa ông bà và con cháu; cha mẹ và các con; vợ và chồng; giữa anh, chị, em phải luôn nền nếp và có tôn ti, trật tự.

Để làm được điều này, mỗi thành viên trong gia đình cần ứng xử tốt, thể hiện sự kính trên, nhường dưới trong các mối quan hệ. “Vợ chồng tôi thường dạy những bài học lễ, nghĩa ở đời để con, cháu ghi lòng. Bây giờ, cháu nội, ngoại đi học về đều thưa ông, bà rất lễ phép. Cha mẹ các cháu cũng vậy, dù đã lớn nhưng khi đi làm về đến nhà là chào hỏi mẹ cha. Các con đều thể hiện ý thức phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ chu đáo khi ốm đau, bệnh tật” - bà Hương chia sẻ. 

Trong một số gia đình, cha mẹ hay áp đặt các con nhưng với gia đình bà Hương, ý kiến của con, cháu đều được ông bà lắng nghe. “Được quan tâm, lắng nghe, con, cháu sẽ cảm thấy được tôn trọng hơn” - bà Hương nói thêm. Nhưng, điều này không có nghĩa hoàn toàn chiều theo ý các con. Cũng theo bà Hương, yêu thương con, cháu là quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con phát triển nhưng khi con gặp lỗi lầm vẫn phải nghiêm khắc giáo dục,... Từ đó, con, cháu sẽ hiểu, biết vâng lời, tránh những thói hư, tật xấu và giữ gìn đạo đức, lối sống tốt đẹp.

Ngoài ra, văn hóa gia đình được các con gìn giữ, phát huy phải kể đến tấm gương của những người làm cha, mẹ.

Vợ chồng bà Trương Thanh Hương là tấm gương để các con noi theo trong cách ứng xử ở gia đình

Bà Hương bảo rằng: “Vợ chồng tôi luôn cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Tình yêu thương thể hiện qua lòng thủy chung, trung thực, tin tưởng, tôn trọng cá tính của nhau, luôn dành cho nhau những lời ngọt ngào, tử tế. Từ cách ứng xử của cha mẹ, các con trong gia đình biết sống tương trợ, đoàn kết, yêu thương nhau”.

Đó cũng là cách gìn giữ, vun bồi hạnh phúc của gia đình Huỳnh Đức Thịnh, 26 tuổi, ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Theo Thịnh, ngày nay, nhiều đôi vợ chồng trẻ ly dị sau thời gian về sống chung một nhà mà nguyên nhân do ảnh hưởng từ lối sống lạm dụng công nghệ. Khi đi làm về, mỗi người “ôm” một chiếc điện thoại lướt web, ít dành thời gian trò chuyện cùng nhau nên hình thành khoảng cách, dẫn đến không hiểu nhau và mâu thuẫn xảy ra. Nhận thức được điều này, vợ chồng Thịnh luôn dành thời gian cho nhau sau một ngày làm việc. “Điều này giúp vợ chồng hiểu nhau và có thể chia sẻ mọi việc trong cuộc sống” - Thịnh nói.

Tuy nhiên, là vợ chồng trẻ, những kỹ năng về xây dựng gia đình, vợ chồng Thịnh chưa có nhiều. Vì thế, cha mẹ luôn là tấm gương để vợ chồng Thịnh học tập từ cách ứng xử đến cách dạy con. “Cha mẹ lúc nào cũng nói năng nhẹ nhàng với nhau. Tôi chưa thấy cha mẹ to tiếng cãi vã mà mỗi khi có chuyện đều ngồi lại nói nhẹ nhàng. Trong cách dạy con, cha mẹ luôn ủng hộ ý kiến chính đáng của chúng tôi và không làm thay con mọi việc. Sau này, vợ chồng tôi cũng sẽ học cách giáo dục của cha mẹ để dạy con mình”.

Chính vì để con tự lập trong mọi việc nên khác với nhiều “cậu ấm, cô chiêu” đồng trang lứa, Thịnh siêng năng, tháo vát. Là đàn ông, Thịnh biết làm việc nhà, đỡ đần cha mẹ và vợ. Khi vợ đi dạy, Thịnh ở nhà đảm đương vườn thanh long, quán cà phê và trông con nhỏ. Thịnh bộc bạch: “Hồi đó, tôi cũng tốt nghiệp đại học nhưng chọn con đường ở nhà kinh doanh, làm vườn. Cha mẹ cũng đồng ý và ủng hộ con đường tôi chọn”.

Cũng theo ông Trần Minh Hiếu, trong giáo dục văn hóa, đời sống gia đình, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn xây dựng những giá trị tiên tiến, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau để những giá trị tốt đẹp luôn lan tỏa, bền vững theo thời gian.

Giáo dục thế nào để các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, vun bồi các giá trị gia đình không phải chuyện dễ. Nhưng, nếu giáo dục đúng cách, mỗi thành viên sẽ là nhân tố tích cực gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình trong xã hội ngày nay./.

Yêu thương con, cháu là quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con phát triển nhưng khi con gặp lỗi lầm vẫn phải nghiêm khắc giáo dục,... Từ đó, con, cháu sẽ hiểu, biết vâng lời, tránh những thói hư tật xấu và giữ gìn đạo đức, lối sống tốt đẹp. (Bà Trương Thanh Hương chia sẻ)

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết