Tiếng Việt | English

03/01/2017 - 19:01

Yêu thương chân thành - “Bí quyết” dung hòa trong gia đình nhiều thế hệ

Gia đình nhiều thế hệ - “tế bào” quý của xã hội ngày nay. Sự quan tâm của ông bà với con cháu; sự đùm bọc, thương yêu từ các anh chị em; sự dạy dỗ của cha mẹ mang giá trị tinh thần to lớn với việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, khoảng cách về suy nghĩ, sinh hoạt... giữa các thế hệ là rất khó tránh khỏi, do đó, các thành viên cần có cách ứng xử khéo léo để giữ gìn hạnh phúc gia đình.


Bà Lê Hoài Dung cùng con dâu chuẩn bị bữa cơm gia đình

Bà Lê Hoài Dung, ở ấp 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết: “Tôi có 1 con trai và 3 con gái, hiện sống cùng vợ chồng con trai và các cháu nội. Ngày trước, tôi từng làm dâu, lại là con dâu trưởng, phải chăm sóc em chồng, quán xuyến việc nhà. May mắn là mẹ chồng thương yêu, quan tâm tôi như con ruột. Bây giờ, tôi cũng đối xử với con dâu mình như vậy. Tôi quan niệm rất đơn giản, “mình thương tụi nhỏ thì tụi nhỏ thương mình”. Dù là con dâu, con gái, con rể hay con trai tôi đều xem như con ruột. Ngoài ra, dù bận rộn đến đâu thì chúng tôi vẫn luôn duy trì bữa cơm chung. Gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền là điều mà không phải ai cũng có được. Đây là nền tảng để các cháu phát triển nhân cách, biết thương yêu, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ”.

Ngoài ra, nhiều gia đình còn có sự khác biệt về phong tục, lối sống như trường hợp của chị Nguyễn Thị Diễm ở phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An.

Qua mai mối, chị về làm dâu trong một gia đình gốc Bắc gần 15 năm. Thời gian đầu, chị rất bỡ ngỡ vì cách sinh hoạt, ăn uống khác biệt. Dù vào Nam lập nghiệp nhưng gia đình chồng chị vẫn giữ thói quen, phong tục của người miền Bắc. Có lúc, chị còn nghĩ mình sẽ phải xin ra riêng vì không hòa nhập được môi trường mới. Nhờ sự động viên, an ủi của chồng, chị thích nghi được với gia đình anh.

Anh cũng là “cầu nối” để mẹ chồng - nàng dâu thêm gần gũi. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên quan tâm, trò chuyện cùng các em chồng để tình cảm ngày càng khăng khít.

Sau thời gian đầu lạ lẫm, chị dần bắt nhịp để hòa hợp cùng các thành viên. Những món ăn trước đây còn xa lạ với chị: Thịt đông, canh sấu, bún chả,... thì giờ đây, chị có thể nấu ngon, hợp khẩu vị gia đình. Ngược lại, những món ăn đặc trưng Nam bộ: Gỏi gà, thịt kho hột vịt, canh chua,... cũng được chị đưa vào thực đơn hàng ngày.

Để dung hòa trong gia đình nhiều thế hệ, cần có sự cảm thông và tìm ra tiếng nói chung giữa các thành viên. Và người có công đầu trong việc gắn kết mẹ chồng - nàng dâu chính là chồng chị Diễm. Tuy mỗi người phải có trách nhiệm vun đắp cho gia đình nhưng vai trò của người chồng, người con trai trong gia đình nhiều thế hệ là vô cùng quan trọng.

Anh Vũ Văn Hoài (chồng chị Diễm) cho biết: “Giữa 2 người phụ nữ, mình phải là người trung lập, không được “nghiêng” bất cứ bên nào để làm hài lòng đôi bên, tạo ấn tượng tốt trong lòng nhau”.


Bà Nguyễn Thị Dòn chăm sóc cháu

Sống trong gia đình nhiều thế hệ, các thành viên cần nhường nhịn nhau để tổ ấm thuận hòa. Bà Nguyễn Thị Dòn, ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa chia sẻ: “Vợ chồng con trai đi làm suốt nên vợ chồng tôi giúp các con chăm cháu. Dù cách nuôi dạy trẻ thế hệ trước so với hiện tại có nhiều khác biệt nhưng các con luôn tiếp thu kinh nghiệm sống của chúng tôi. Ngược lại, vợ chồng tôi cũng tôn trọng ý kiến chứ không áp đặt các con phải theo ý mình”.

Gia đình nhiều thế hệ chính là niềm tự hào, là tổ ấm quý báu cần được giữ gìn, duy trì trong cuộc sống. Khoảng cách sẽ chẳng là gì khi có sự quan tâm, gần gũi, yêu thương chân thành. Các thành viên cần ý thức được trách nhiệm, vai trò của bản thân để gắn kết để gia đình luôn thuận hòa, êm ấm./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết