Gia đình luôn được xem là tổ ấm, nơi nuôi dưỡng mỗi chúng ta về cả thể chất lẫn tinh thần. Để một đứa trẻ lớn lên hạnh phúc và khỏe mạnh thì gia đình phải thật sự hạnh phúc, tràn ngập tình yêu. Khi tất cả mọi gia đình đều là “nơi để trở về” thì xã hội sẽ vô cùng tốt đẹp.
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ giáo dục con bằng cách đặt ra cho chúng những mục tiêu cao trong học tập hay thành tích tốt ở các cuộc thi mà quên mất rằng, việc cần làm nhất đối với lứa tuổi của con mình là khiến chúng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Bởi, chỉ khi vui vẻ, hạnh phúc thì chúng mới có thể làm tốt những gì mà chúng muốn và phát triển khỏe mạnh, toàn diện.
Ông bà, cha mẹ nên là những tấm gương tốt cho con trẻ
Tạo nền tảng hạnh phúc cho trẻ
Gia đình luôn có vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của trẻ em. Bất kỳ một người làm cha, làm mẹ nào cũng muốn con mình được tốt hơn và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Đó cũng là lý do khiến các bậc phụ huynh luôn cố gắng uốn nắn con về tính cách, lối sống. Tuy nhiên, sự trưởng thành về tính cách của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định về mặt tình cảm trong gia đình và cách đứa trẻ được dạy để nhìn nhận và thích ứng với cuộc sống. Việc chăm sóc và giáo dục một đứa trẻ quả thực không dễ dàng nhưng cũng không phải là quá khó khăn. Đứa trẻ sẽ thực sự hạnh phúc khi được sống trong môi trường đầy yêu thương, một gia đình hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Cha mẹ luôn giảng dạy, hỗ trợ và tìm phương pháp thích hợp để động viên con. Vợ chồng tôi luôn cố gắng nuôi dạy con bằng tình yêu thương và sự tôn trọng, với hy vọng khi con lớn lên sẽ biết cách hợp tác với xã hội và ứng phó được với những khó khăn”.
Lê Minh Khoa (11 tuổi) - con của chị Nguyệt, cho biết: “Con cảm thấy rất vui vì cả cha và mẹ đều ủng hộ và khuyến khích sở thích chụp ảnh của con. Sinh nhật năm trước, con còn được cha mẹ tặng một chiếc máy ảnh. Từ đó đến nay, hầu như cuối tuần nào cha mẹ cũng dẫn con đến những nơi có cảnh đẹp để chụp ảnh”.
Còn chị Bùi Thị Ngọc Diễm, ngụ xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, bộc bạch: “Vợ chồng tôi có 1 bé trai 5 tuổi. Cũng giống như những người làm cha mẹ khác, vợ chồng tôi luôn muốn dành những điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên, chúng tôi không cung cấp mọi thứ con muốn mà chỉ là người hướng dẫn để giúp con tự khám phá mọi thứ theo cách của riêng mình. Đồng thời, chúng tôi luôn cố gắng giữ lửa hạnh phúc gia đình để làm nền tảng vững chắc cho con”.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa ông bà và các cháu, anh chị và các em cũng rất quan trọng. Những mối quan hệ này càng bền chặt thì càng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các cá nhân trong gia đình. Các bậc lớn tuổi phải luôn làm gương cho con cháu. Lối sống của cha mẹ và những người trong gia đình thường ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em.
Một đứa trẻ chỉ thực sự hạnh phúc khi chúng nhận thấy được sự hạnh phúc từ những thành viên trong gia đình. Do đó, đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải luôn cố gắng thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau vun đắp hạnh phúc qua từng ngày, từng giờ vì gia đình chính là môi trường tuyệt vời nhất để trẻ lớn lên khỏe mạnh và toàn diện.
Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với xã hội thay vì giam mình trong nhà với những thiết bị thông minh
Trách nhiệm của các bộc cha mẹ
Gia đình là trường học đầu tiên để hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trong đó, giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tính cách của mỗi con người. Lứa tuổi ấu thơ là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình hình thành nhân cách của con người. Nó được thể hiện rõ ràng thông qua việc bắt chước hành động của người lớn.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam huyện Thủ Thừa - Mai Thị Hoa, ngày nay, quan niệm “cha mẹ sinh con trời sinh tính” đã không còn phù hợp. Thay vào đó, các bậc cha mẹ nên tự giác làm gương cho con mình. Giáo dục không chỉ bằng những lời nói mà nên thể hiện qua những công việc cụ thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn. Trẻ cũng sẽ không tôn trọng người lớn nếu như chúng thấy cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã của con cái. Kết hợp giữa giáo dục truyền thống và hiện đại, phát huy mặt tích cực trong quan hệ lễ nghĩa tương kính. Mặt khác, dần dần xây dựng nếp sống khoa học trong gia đình, rèn cho con nề nếp học tập và đức tính tốt như tự suy nghĩ, tìm tòi, sinh hoạt đúng giờ, gọn gàng, ngăn nắp,...
Anh Nguyễn Minh Nhựt, ngụ xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, bộc bạch: “Vợ chồng tôi rất quan tâm đến việc rèn luyện cho các con ý thức, thói quen lao động hàng ngày để nâng cao sức khỏe, loại trừ thói xấu lười nhác, ỷ lại, dựa dẫm, cẩu thả,…; đồng thời dạy các con sự đoàn kết, chia sẻ trong gia đình. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng thường xuyên cùng các con vui chơi, học tập và chăm sóc ông bà”.
Hiện nay, trong cuộc sống cũng có nhiều trường hợp vì sự nuông chiều của cha mẹ mà khiến trẻ vô tình hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, lười nhác, thiếu trách nhiệm, quen được phục vụ, hưởng thụ. Song song đó, cũng có không ít gia đình thiếu quan tâm đến việc giáo dục con cái, người lớn đối xử với nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành động thiếu văn hóa…, những hành động xấu đó đã phản chiếu vào tâm hồn non nớt của trẻ, làm cho các em trở nên cộc cằn, thô lỗ.
Những mâu thuẫn, lục đục trong gia đình hay gia đình tan vỡ đã đẩy không ít trẻ em rơi vào tình trạng hụt hẫng về mọi phương diện, nhiều em không đủ ý chí để vượt qua khó khăn nên đã rơi vào những bệnh như trầm cảm, rối loạn tâm lý,...
Có thể khẳng định, gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Nếu nhân cách của con người bao gồm hai mặt đức và tài thì gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng. Các bậc cha mẹ cần nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy con cái, đặc biệt là quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của con trẻ để kịp thời uốn nắn và định hướng phát triển cho chúng./.
Nhóm Phóng viên