Tiếng Việt | English

23/06/2020 - 11:13

Gia đình - Thước đo hạnh phúc - Bài 1:Những vết thương âm ỉ

Gia đình luôn được xem là tổ ấm, nơi nuôi dưỡng mỗi chúng ta về cả thể chất lẫn tinh thần. Để một đứa trẻ lớn lên hạnh phúc và khỏe mạnh thì gia đình phải thật sự hạnh phúc, tràn ngập tình yêu. Khi tất cả mọi gia đình đều là “nơi để trở về” thì xã hội sẽ vô cùng tốt đẹp.

Gia đình đáng lý ra phải là nơi để trở về, cội nguồn yêu thương để vun dưỡng những “mầm xanh”. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những trường hợp gia đình lại chính là nơi chất chứa những nỗi đau rạn vỡ, gây ra những vết thương âm ỉ. 

Vào những ngày tháng 6 của 2 năm trước, Long An xôn xao thông tin bé gái 10 tuổi bị cha ruột dâm ô nhiều lần trong thời gian dài. Câu chuyện chỉ bị phanh phui khi đứa trẻ ngô nghê kể lại chuyện đó với người hàng xóm. Đến thời điểm đó, những người lớn khác trong nhà mới phát hiện ra vụ việc. Đứa trẻ được bảo vệ khẩn cấp. Người đàn ông tội lỗi nhận án tù. Một câu chuyện “rúng động” về bạo hành gia đình, xâm hại trẻ em, gióng lên hồi chuông về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ. 

Trẻ em cần được chăm sóc trong môi trường hạnh phúc, đầy đủ tình yêu thương (ảnh minh họa)

 Trẻ em cần được chăm sóc trong môi trường hạnh phúc, đầy đủ tình yêu thương (ảnh minh họa)

Câu chuyện kể "rỉ tai"

Theo lý thuyết, trẻ em cần được chăm sóc trong môi trường hạnh phúc, đầy đủ tình yêu thương. Tuy nhiên, trên thực tế không phải đứa trẻ nào cũng có được điều đó trong hành trình lớn lên của mình. Khi đến các địa phương, hỏi về tình hình bạo hành, bạo lực trong gia đình, hầu như các nơi đều lắc đầu. Tuy nhiên, nếu lân la khắp các xóm làng, sẽ nghe được những câu chuyện nhỏ được chị em hàng xóm “rỉ tai” nhau.

Tính đến nay cũng được vài năm, chị Lâm Thị Minh Thư(*) và con gái (huyện Tân Thạnh) có cuộc sống bình yên. Tuy còn nhiều vất vả nhưng mẹ con chị không phải trốn chạy đêm ngày bởi đòn roi, nhục mạ của người đàn ông “trụ cột” gia đình.

“Sau một thời gian bị bạo lực, bé sẽ nhút nhát, rụt rè. Nhưng về sau, bé sẽ “trút lên” những bé yếu thế hơn”.

 Cô Võ Hoàng Quế Anh - giáo viên can thiệp sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt

Ngày trẻ, lúc lập gia đình, chị Thư cũng mong có cuộc sống bình yên bên “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Tuy nhiên, sau bao năm gắn bó, cuộc sống đi từ khó khăn đến ổn định cũng là lúc người đàn ông đổi dạ thay lòng. Những chuyến đi triền miên bắt đầu kèm theo đó là sự thờ ơ với vợ con. Chị đọc được ánh mắt buồn của con gái mỗi khi cha vắng nhà hàng đêm. 

Từ lạnh lùng, anh ta chuyển sang hành hạ mẹ con chị. Trong những cơn say lúc về nhà, mẹ con chị đều bị anh ta đánh, mắng. Con gái chị, bé Minh Anh(*) (14 tuổi) thường tìm cách lánh mặt cha mỗi khi thấy ông về trong cơn say. Minh Anh thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi nhau. Em cũng không còn lạ với việc cha thẳng tay đánh mẹ sưng mắt, bầm môi và nhục mạ cả 2 mẹ con bằng những lời lẽ khó nghe. Mỗi lần như vậy, em chỉ lặng lẽ khóc một mình trong góc tối.

Thời điểm đó, đến trường, Minh Anh không học hành được nhiều. Em khép kín, ít bạn bè và luôn cảm thấy chán chường. Đôi mắt em dường như luôn mang một nét buồn. Với cô gái nhỏ, gia đình không còn là nơi để trở về. Thấy con học hành sa sút lại luôn bị dằn vặt bằng đòn roi, mắng chửi, chị Thư suy nghĩ rất nhiều rồi quyết định ly hôn. Hai năm sau những khó khăn, chị Thư vui vẻ kể với bạn mình: “Con bé cấp này học tốt hơn, nó đang chuẩn bị thi, tôi thấy yên tâm lắm. Tôi đang để dành tiền cuối năm cất căn nhà nhỏ”. Nghĩ về những khó khăn đã qua, chị mỉm cười, nụ cười bình an.

Đó là cách một người phụ nữ bảo vệ con mình, bảo vệ tuổi thơ của con khỏi những tổn thương do chính gia đình gây ra. Tuy nhiên, đó không phải là cách làm được khuyến khích. Bởi, điều mỗi chúng ta hướng tới là sự vẹn nguyên và yên ấm thực sự của một gia đình. 

Trẻ em cần được chăm sóc trong môi trường hạnh phúc, đầy đủ tình yêu thương (ảnh minh họa)
Trẻ em cần được chăm sóc trong môi trường hạnh phúc, đầy đủ tình yêu thương (ảnh minh họa) 

Sống cùng bạo lực

Những câu chuyện như chuyện nhà chị Thư vẫn còn không ít trong cộng đồng. Vẫn còn những đứa trẻ lớn lên trong ánh mắt tủi hờn của mẹ, trong sự lớn tiếng của cha và phải chứng kiến những cuộc cãi nhau không hồi kết. Thậm chí, có những đứa trẻ sống chung với bạo lực nhân danh giáo dục. 

Bé Thy (huyện Châu Thành) mới hơn 5 tuổi nhưng đã vài lần em phải sống xa mẹ vì những cuộc cãi nhau. Sau những cuộc cãi vã nặng lời, thậm chí “động tay, động chân”, mẹ Thy bỏ về ngoại. Nhưng em không được theo mẹ vì cha và bà nội không cho phép. Đôi ba tuần, mọi chuyện nguôi ngoai, mẹ em lại về. Thy thường sà vào lòng mẹ, bởi mẹ là người gần gũi với em nhiều nhất. Hàng ngày, hai mẹ con vẫn ở cùng nhau, mẹ em là người đưa đón Thy đến trường nên mỗi lần xa mẹ, Thy đều buồn. Cha Thy nóng tính, ông nội là người “nát rượu”. Từ ngày còn bế trên tay, không ít lần em phải theo mẹ chạy tránh những trận đòn của cha. Những lần người nhà lớn tiếng cãi nhau, em sợ hãi nép vào góc nhà. 

Và những gia đình như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của trẻ. Các em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít những gia đình “có vấn đề” nhưng vì nhiều lý do khác nhau, “vấn đề” đó được giấu kín. Người trong cuộc, đa phần là phụ nữ và trẻ em, âm thầm chịu đựng và chấp nhận như một điều rất bình thường trong cuộc sống. Bạo lực rất có thể sẽ tiếp nối bằng bạo lực hoặc nạn nhân của bạo lực (kể cả trẻ em) sẽ phải mang “di chứng” về tinh thần và thể chất trong suốt cả cuộc đời!.

Theo Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc rối nhiễu tâm trí - Trung ương Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, bạo hành trẻ em không chỉ là những hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ kéo theo nhiều hệ lụy tâm lý.

Có hai kiểu phản ứng ở trẻ thường xảy ra khi bị bạo hành. Phản ứng kiểu thứ nhất là trẻ đang hiền lành bỗng trở nên hung bạo, hay cáu gắt, khóc lóc, thậm chí có hành vi hung tính như đánh đập người khác hoặc độc ác với thú vật. Kiểu thứ hai là trẻ thu mình lại. Cụ thể là trẻ trở nên lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người, không thích tiếp xúc và luôn mang cảm giác sợ sệt./.

(Theo bài viết của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Như Phương trên Báo Sức khỏe Đời sống)

(còn tiếp)

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nhóm Phóng  viên

Chia sẻ bài viết