Đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Xác định mục đích của XDNTM là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm dần mức chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, nhiều địa phương tích cực thực hiện tốt các biện pháp giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An - Lê Em khẳng định: “Nếu người dân không có việc làm ổn định thì dễ sa vào các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc,... Do đó, xã quan tâm tạo điều kiện cho các đối tượng không có việc làm tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sau đó giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó phân công các tổ chức, cá nhân phụ trách từng nhóm đối tượng. Bình quân mỗi năm, xã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 1 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn”.
Diện mạo nông thôn xã Tân Hòa ngày càng khởi sắc. Điều này minh chứng cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu
Gia đình có 4 người con, vợ chồng anh Trương Mạnh Truyền (ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh) gặp nhiều khó khăn về chi phí sinh hoạt. Chia sẻ với hoàn cảnh của anh, xã tạo điều kiện cho vợ chồng anh tham gia lớp may công nghiệp và giới thiệu việc làm tại Hợp tác xã (HTX) May gia công Tường Xuyên với thu nhập của cả 2 vợ chồng khoảng 12 triệu đồng/tháng. Anh Mạnh Truyền bộc bạch: “Trước đây, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu bằng nghề làm thuê “ngày có, ngày không” nên cuộc sống thường “thiếu trước, hụt sau”. Còn giờ đây, vợ chồng tôi đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ nghề may gia công; đồng thời, dành dụm được một khoản tiền để thuê đất trồng lúa”.
Anh Trương Mạnh Truyền (ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa) có việc làm ổn định
Để đạt chuẩn xã NTM, các địa phương phải hoàn thành 19/19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí về hộ nghèo. Điều này đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực để giảm nghèo bền vững gắn với XDNTM. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức - Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ: “Xác định việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là “chìa khóa” giảm nghèo bền vững, huyện thường xuyên rà soát nhu cầu học nghề của các địa phương, với phương châm đào tạo gắn với nhu cầu thực tế, không đào tạo theo cái mình đang có. Nhờ vậy, các ngành nghề đào tạo phát huy được hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân nông thôn như sửa chữa nông cơ, thú y, bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng đu đủ,... Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện phối hợp mở được 3 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với trên 80 học viên tham gia. Hộ nghèo của huyện còn 0,61%”.
Huy động nhiều nguồn lực tham gia
Năm 2014, xã Bình Quới, huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM. Năm 2021, xã tiếp tục được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quới - Châu Văn Bình thông tin: “Xã xem việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân là điểm nhấn so với các địa phương chưa đạt chuẩn xã NTM, NTM nâng cao. Theo đó, xã đẩy mạnh việc triển khai các quyết định, nghị định, chỉ thị của Chính phủ và Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, xã còn chia từng đối tượng để có biện pháp giảm nghèo phù hợp. Cụ thể, đối với hộ nghèo còn trong độ tuổi lao động, chí thú làm ăn sẽ được hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Còn đối với những hộ già neo đơn, tàn tật không có khả năng thoát nghèo thì vận động xã hội hóa nhận đỡ đầu, bảo trợ xã hội và tặng quà. Đến nay, xã chỉ còn 0,27% hộ nghèo, 1,39% hộ cận nghèo”.
Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: “Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đều phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo. Trong đó, huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho từng ngành, địa phương nhưng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không chạy theo thành tích bởi sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi, cuộc sống của các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, toàn huyện có 11/12 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng xã Nhơn Hòa đạt chuẩn NTM và xã Kiến Bình đạt chuẩn NTM nâng cao".
Cuối năm 2022, gia đình anh Siêu A Quang sẽ thoát nghèo
Sau khi được xã vận động xây dựng căn nhà tình thương và giới thiệu việc làm, anh Siêu A Quang (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Anh Quang trải lòng: “Khi ra riêng, vợ chồng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào làm thuê. Rồi 4 đứa con lần lượt ra đời, vợ tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc con, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ còn mình tôi gồng gánh nên cuộc sống khó khăn hơn. Nhờ xã tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm và hỗ trợ xây nhà, giờ đây, cuộc sống gia đình ổn định, chúng tôi xin ra khỏi hộ nghèo”.
Với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, đến nay, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,3%, góp phần xây dựng thành công 116/161 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Điều này càng khẳng định đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào quá trình XDNTM của các địa phương./.
Lê Ngọc