Thành tích của người đi trước
Cố soạn giả Trần Nam Dân (Bến Tre) là bậc thầy sáng tác vọng cổ và soạn lời các vở cải lương. Ông có cả ngàn bài cổ nhạc, ca cảnh được công chúng đón nhận. Trong số những tác phẩm của ông có bài tân cổ giao duyên Cô gái tưới đậu gắn liền với tên tuổi 2 nghệ sĩ Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ. Với hình ảnh cô gái Mỹ Hạnh (nay là xã Mỹ Hạnh Nam và Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa) duyên dáng, giỏi giang, hăng hái trong phong trào thi đua sản xuất, Cô gái tưới đậu đi vào lòng người mộ điệu gần xa đến tận bây giờ.
Câu vọng cổ ngọt ngào “Gặp anh đây giữa đường giữa ngõ, anh hỏi mà không nói thì sợ anh bảo con nhỏ hay làm lẽ. Còn ở đây nói với anh Ba cho hết tình hết nghĩa thì chắc em phải trở vô nấu bữa cơm... chiều…” làm say lòng bao thế hệ người mộ điệu. Mặc dù cố soạn giả Trần Nam Dân không còn nhưng sự đóng góp của ông cho phong trào VHNT tại Long An vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì vậy, Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông lần thứ V vinh danh cố soạn giả Trần Nam Dân như một sự tri ân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Đỗ Hữu Lâm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh trao giải cho các tác giả. Ảnh: Phương Phương
Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh - Nguyễn Lành cho biết: “Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông tổ chức 5 năm/lần nhằm vinh danh những văn nghệ sĩ có tác phẩm về quê hương Long An được bạn bè, đồng sự công nhận và quần chúng nhân dân biết đến. Chính vì vậy, Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông không chỉ trao cho văn nghệ sĩ Long An mà còn trao cho cả những văn nghệ sĩ ngoài tỉnh, kể cả người đã mất”.
Nhạc sĩ Trịnh Hùng - một trong những tác giả đầu tiên được vinh danh, nhận xét: “Đến nay, Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông trải qua 5 lần trao giải với khoảng thời gian 18 năm và những văn nghệ sĩ vinh dự nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông luôn xứng đáng”. Như chính nhạc sĩ Trịnh Hùng, mặc dù nghỉ hưu nhưng ông vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc nói riêng và VHNT tỉnh nhà nói chung. Ngoài việc sáng tác và có nhiều ca khúc đoạt giải cao ở các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, ông còn miệt mài sưu tập và hoàn thành công trình 1.000 câu hát đưa em được xuất bản rộng rãi trên toàn quốc và chuẩn bị ra mắt công trình Những câu hò trên quê hương Long An sau khoảng thời gian dày công sưu tập.
Cũng như nhạc sĩ Trịnh Hùng, soạn giả Diệp Vàm Cỏ là một trong số những văn nghệ sĩ đầu tiên được nhận Giải thưởng Nguyễn Thông. Nhắc đến tên soạn giả Diệp Vàm Cỏ, có lẽ người dân Long An và cả giới mộ điệu cải lương ai cũng biết. Ông là tác giả của rất nhiều bài ca cổ hay, được các nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện thành công và đi vào lòng người: Tình bậu muốn thôi, Hãy đến với em, Ký ức hoa đào,… Trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình, soạn giả Diệp Vàm Cỏ viết rất nhiều ca khúc về quê hương Long An bằng tất cả tình yêu dành cho vùng đất “nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng”: Ông già Đồng Tháp, Mùa trâm gối, Tôi yêu màu nắng quê nhà,...
Là động lực để thế hệ sau phấn đấu
Tiếp nối truyền thống của thế hệ đàn anh, các văn nghệ sĩ được vinh danh trong Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông lần thứ V cũng miệt mài lao động nghệ thuật và có những tác phẩm giá trị được bạn bè trong giới và quần chúng nhân dân đánh giá cao. Đến nay, MV Hương tình miền hạ của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải được đăng tải trên Youtube đạt gần 70.000 lượt xem và rất nhiều lời khen ngợi. Hầu hết người xem đều đánh giá đây là MV giàu tính nghệ thuật, được đầu tư chu đáo và “đậm đà hương vị quê hương Long An”.
Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải và ca sĩ Hồng Thắm biểu diễn ca khúc Hương tình miền hạ trong buổi lễ công nhận huyện Cần Đước đạt chuẩn huyện điểm điển hình về văn hóa
Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải dành 2 năm để hoàn thành ca khúc Hương tình miền hạ. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 2006, nhạc sĩ viết nhiều ca khúc về các huyện, các ngành, nghề trong tỉnh nhưng lại “bỏ ngỏ” Cần Đước, quê hương anh. Đến năm 2015, khi Cần Đước được công nhận huyện điểm điển hình về văn hóa, anh công bố ca khúc Hương tình miền hạ. Được nhiều người động viên, anh thực hiện MV để đưa ca khúc đến gần với người nghe, đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương. MV Hương tình miền hạ đậm chất nghệ thuật và giàu ý nghĩa khi nhạc sĩ chọn cảnh quay là những địa điểm nổi tiếng về văn hóa, lịch sử tại Cần Đước: Đình Vạn Phước (cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử), Nhà Trăm cột, ruộng lúa Nàng thơm Chợ Đào,... Bằng tình yêu dành cho quê hương, tài năng và sự đầu tư lao động nghiêm túc, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải góp phần đưa hình ảnh Long An tươi đẹp đến với nhiều người. Và Hương tình miền hạ mang đến cho nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông lần thứ V.
Không chỉ có Hương tình miền hạ, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải còn là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng khác: Khúc hát tự hào, Xóm cũ đón anh về, Như cánh lục bình, Đêm Tân An, Hương tình miền hạ 2,... Sắp tới đây, kỷ niệm hơn 10 năm sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải dự kiến ra mắt 2 album tập hợp các ca khúc nổi bật. Với quá trình lao động miệt mài, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải chứng minh mình xứng đáng với giải thưởng danh giá dành cho văn nghệ sĩ.
Trong danh sách các tác giả được vinh danh lần này chỉ có duy nhất một họa sĩ. Anh là người trẻ tuổi nhất nhận giải thưởng danh giá trong đợt này. Anh là họa sĩ Hà Phước Duy (TP.Tân An). Bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp năm 28 tuổi, đến nay, họa sĩ Hà Phước Duy có “bộ sưu tập” giải thưởng qua các cuộc thi khu vực và toàn quốc. Tác phẩm được xét tặng Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông lần này được anh sáng tác từ khi còn là sinh viên. Bằng tình yêu mãnh liệt dành cho hội họa, họa sĩ Hà Phước Duy đã học tập, lao động miệt mài. Giải thưởng như lời động viên mạnh mẽ đối với chàng họa sĩ quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình.
Con đường sáng tạo nghệ thuật luôn hướng tới những đỉnh cao phía trước, luôn tự làm mới mình nên những tác giả được vinh danh trong Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông sẽ có thêm động lực tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp VHNT nói chung và VHNT Long An nói riêng. Tin rằng, giải thưởng tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm ủng hộ và là mục tiêu phấn đấu, nỗ lực của văn nghệ sĩ./.
Phương Phương