Tiếng Việt | English

11/08/2015 - 05:34

Giám đốc bị án oan Lương Ngọc Phi được bồi thường kỷ lục gần 23 tỷ

Giám đốc bị án oan Lương Ngọc Phi đang giữ kỷ lục về số tiền bồi thường oan sai lớn nhất từ trước tới nay.

Chiều 10/8, TAND thành phố Thái Bình tuyên án sơ thẩm lần 2 vụ án oan ông Nguyễn Ngọc Phi, yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường hơn 22,9 tỉ đồng cho Lương Ngọc Phi vì đã xét xử oan sai hơn 18 năm trước... Như vậy, ông Phi vẫn giữ kỷ lục về số tiền bồi thường oan sai lớn nhất từ trước tới nay.

Trước đó, ngày 4/10, TAND thành phố Thái Bình đã mở phiên xét xử lại vụ án oan đối với ông Lương Ngọc Phi (68 tuổi, nguyên Giám đốc công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình, trụ sở số 463 Lý Thái Tổ, phường Quang Trung, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

Ông Lương Ngọc Phi tự bảo vệ mình ở phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: Phi Long)

Bị đơn trong vụ án này là hai cơ quan là TAND tỉnh Thái Bình và Công an tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, tại cả buổi tranh luận và buổi tuyên án của phiên tòa này, đại diện TAND tỉnh Thái Bình đều có đơn xin vắng mặt. Chỉ có đại diện Công an tỉnh Thái Bình là ông Bùi Duy Huân, Phó CVP CQĐT CA tỉnh Thái Bình có mặt tại tòa.

Theo hồ sơ vụ việc, tháng 4/1998, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lương Ngọc Phi – GĐ Cty XNK Nông sản Hòa Bình (trụ sở tại TP Thái Bình) về tội danh “trốn thuế” và “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa).

Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Phi 17 năm tù giam cho hai tội danh trên. Tài sản thu giữ trong vụ án bao gồm 280.770kg hạt ý dĩ (hay còn gọi là bobo chưa bóc vỏ), 31.830kg hạt kê giống, 307kg hạt vừng giống Nhật Bản, 01 xe ô tô con loại bốn chỗ nhãn hiệu Daewoo.

Năm 2001, VKSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi. Tính tới thời điểm đó, ông Phi đã ngồi tù oan sai tổng cộng 1.066 ngày.

Đại diện cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình tranh luận trước tòa.

Phiên xét xử sơ thẩm lần 2, ông Lương Ngọc Phi không thuê luật sư, tự mình đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại tòa. Ông Phi đã đưa ra các quan điểm, dẫn chứng và lý lẽ để yêu cầu Công an tỉnh Thái Bình, TAND tỉnh Thái Bình bồi thường thiệt hại đối với tổn thất về tài sản và tinh thần gây ra đối với mình.

Theo ông Phi trình bày, sau 6 lần thương lượng bất thành, ngày 8/5/2007, TAND tỉnh Thái Bình ra thông báo chấm dứt thương lượng bồi thường, ông Phi đã nộp đơn khởi kiện TAND tỉnh Thái Bình.

Vụ kiện được cơ quan chức năng tách thành hai vụ việc, trong đó, vụ án bồi thường về tổn thất tinh thần và giảm sút về sức khỏe được TAND TP Thái Bình tuyên TAND tỉnh Thái Bình buộc phải bồi thường 666 triệu đồng. Sau 10 tháng bản án có hiệu lực, ông Phi nhận được số tiền này.

Vụ kiện thứ 2 đòi bồi thường thiệt hại về tài sản, sau 12 năm được công nhận oan sai, TAND TP.Thái Bình mở phiên xét xử và tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía bị đơn không thi hành bản án khiến vụ việc kéo dài cho đến tận bây giờ.

Tại tòa, ông Lương Ngọc Phi đã ông Phi đưa ra con số yêu cầu bị đơn bồi thường tổng số tiền là hơn 64 tỷ đồng. “Tôi đề nghị HĐXX buộc CQĐT Công an tỉnh Thái Bình, TAND tỉnh Thái Bình mỗi cơ quan bồi thường cho tôi số tiền là hơn 32 tỷ 225 triệu đồng”, ông Phi yêu cầu tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên, sau 1 tuần nghị án, đến 16h30 chiều 10/8, căn cứ trên lý lẽ các bên đưa ra, TAND thành phố Thái Bình đã đưa ra quyết định cuối cùng là TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường oan sai cho ông Lương Ngọc Phi số tiền trên 22,9 tỉ đồng.

Sau khi tòa tuyên án, ông Lương Ngọc Phi bày tỏ thái độ đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm. “Mặc dù số tiền bồi thường ít hơn con số tôi yêu cầu và chưa tương xứng với những mất mát của tôi và gia đình khi bị xử oan, nhưng phán quyết của phiên tòa hôm nay đã thể hiện sự công tâm, không có dấu hiệu bao che”, ông Phi nói.

Tuy nhiên, ông Phi cũng rất trăn trở với câu hỏi bao giờ thì ông và gia đình nhận được tiền bồi thường.

“18 năm oan sai, nhưng sau phiên tòa xử lần trước, mất hơn 15 năm tôi chưa được nhận tiền bồi thường. Từ khi vướng vào oan sai, tất cả công việc kinh doanh và cuộc sống của gia đình tôi đều hoàn toàn bị đảo lộn, bản thân tôi thì đã 67 tuổi. Vì vậy, lần này, tôi mong các cơ quan chức năng sớm thi hành án để tôi kịp nhìn thấy công lý được thực thi khi tuổi cao, sức yếu, không còn sức lao động”, ông Phi tâm sự.

Toàn cảnh phiên tòa.

Vụ án ông Lương Ngọc Phi (68 tuổi, trú tại 463 Lý Thái Tổ, tổ 16, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình) bị khởi tố bị về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, trốn thuế vào tháng 4/1998.

Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Phi tổng cộng 17 năm tù giam cho 2 tội danh trên. Một tháng sau khi ông Phi bị bắt, cơ quan công an đã đem hóa giá toàn bộ tài sản của ông và công ty. Năm 2001, Viện KSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Phi; đồng thời TAND tỉnh Thái Bình đã xin lỗi công khai ông Phi tại nơi cư trú.

Sau khi được xác định oan sai, ông Phi đã 6 lần thương lượng bất thành với các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình về việc bồi thường do cả ba cơ quan (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát) đều né tránh trách nhiệm. Sau khi Nghị quyết 388 hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quy định rõ cơ quan xét xử cuối cùng phải chịu trách nhiệm nên đến ngày 26/8/2013, 12 năm sau khi được công nhận oan sai, TAND thành phố Thái Bình đã xét xử và tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi hơn 21 tỉ đồng. Tưởng như sự việc đã đến hồi kết, tuy nhiên, từ đó tới nay, ông Phi vẫn tiếp tục chờ đợi cơ quan chịu trách nhiệm bồ thường đứng ra bồi hoàn thiệt hại cho mình.

Đây là vụ án oan sai đầu tiên theo NQ 388 về bồi thường oan sai cho các tổ chức, cá nhân bị oan sai. Đồng thời là vụ án oan tính đến thời điểm hiện tại có số tiền bồi thường kỷ lục. Tuy nhiên, kể từ khi được nhận lời xin lỗi công khai từ cơ quan để xảy ra sai phạm, sau hơn 15 năm ông Phi vẫn chưa nhận được số tiền bồi hoàn về quyền lợi, tài sản do trong vụ oan sai trên. Đến ngày 15/1/2015, TAND tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm của TAND thành phố Thái Bình và yêu cầu xét xử lại./.

Phi Long/Truyền hình Quốc hội/VOV.VN

Chia sẻ bài viết